Thế cục Syria hiện giờ ra sao?

Thứ bảy, 06/05/2023, 06:35 AM

Sau 12 năm chiến tranh, nhờ Nga và đồng minh đẩy lùi phe chống đối và các thế lực thù địch bên ngoài, mối quan hệ giữa Syria và thế giới hiện giờ ra sao?

Tổng thống Syria Bashar Assad (phải) bắt tay người đồng nhiệm Iran Ebrahim Raisi, tại Damascus, Syria, ngày 3/5/2023

Tổng thống Syria Bashar Assad (phải) bắt tay người đồng nhiệm Iran Ebrahim Raisi, tại Damascus, Syria, ngày 3/5/2023

Tổng thống Iran Ebrahim Raissi hôm 3/5/2023, đến Damascus. Kể từ khi nổ ra chiến tranh ở Syria vào năm 2011, chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Iran tới Syria diễn ra trong bối cảnh các nước trong khu vực đang bình thường hóa quan hệ với nhau sau nhiều năm chiến tranh và nghi kỵ. Nhiều hội nghị của Liên đoàn Arab đã diễn ra để bàn về khả năng bình thường hóa quan hệ trở lại với Syria. Những điều này đánh dấu thêm một bước tiến ngoại giao của chính quyền Tổng thống Bachar al-Assad sau 12 năm bị cô lập.

Trong những năm qua, Tehran đã hỗ trợ về mặt quân sự, chính trị và tài chính cho chính quyền Damascus. Iran hiện vẫn có các căn cứ quân sự ở Syria và đặc biệt đã triển khai các tên lửa tại nước này. Tổ chức Hezbollah Liban và các tổ chức khác được Iran yểm trợ cũng có mặt tại Syria, một sự hiện diện vẫn bị Israel thường xuyên tố cáo. Israel cũng nhiều lần tiến hành các cuộc oanh kích vào Syria.

Chuyến thăm của Tổng thống Raissi là nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Tehran cũng hy vọng sẽ được tham gia vào công cuộc tái thiết Syria. Chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia Iran diễn ra trong bối cảnh đang có những thay đổi trong khu vực. Iran đã nối lại quan hệ với Arab Saudi sau nhiều năm công khai đối đầu với nhau. Các nước Arab, nhất là Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, vốn yểm trợ các lực lượng chống chế độ của Tổng thống Assad, nay cũng đã bình thường hóa bang giao với Syria.

Nhiều quan chức cho biết, vào hôm 1/5, Bộ trưởng Ngoại giao của những nước Arab đã tổ chức một cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt với người đồng cấp Syria ở Jordan, nhằm thảo luận về cách bình thường hóa quan hệ với Syria. Họ xem đây là một trong những giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài hơn một thập kỷ ở nước này.

Đây là cuộc đàm phán đầu tiên giữa Chính phủ Syria và nhiều nước Arab, kể từ khi tư cách thành viên Liên đoàn Arab của Syria bị đình chỉ vào năm 2011, sau cuộc đàn áp biểu tình của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Jordan đã kêu gọi Syria cùng gia nhập những quốc gia Arab trên con đường từng bước chấm dứt xung đột và giải quyết những vấn đề về người tị nạn, người bị giam giữ, buôn lậu ma túy và lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria. Hiện nay, những vấn đề này đều gây ảnh hưởng đến những nước láng giềng.

Theo Bộ Ngoại giao Jordan, trước khi những bộ trưởng của Syria, Ai Cập, Iraq, Arab Saudi và Jordan ngồi vào bàn đàm phán ở Amman, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Syria - Faisal Mekdad, đã có cuộc gặp gỡ song phương với người đồng cấp Jordan Ayman Safadi. Họ đã thảo luận về vấn đề người tị nạn, về nước uống, an ninh biên giới và cả cuộc chiến chống buôn lậu ma túy. Từ lâu, Amman đã chiến đấu chống lại những nhóm buôn lậu ma túy có vũ trang từ Syria. Jordan vừa là điểm đến, vừa là tuyến trung chuyển chính đi đến những quốc gia vùng Vịnh. Vào hôm 1/5, đài truyền hình nhà nước Jordan cho biết, quân đội đã ngăn chặn một hoạt động buôn lậu ma túy từ Syria.

Tổng thống Iran và Syria trao đổi văn kiện sau khi ký biên bản ghi nhớ về “hợp tác chiến lược lâu dài” tại Damascus vào ngày 3/5/2023

Tổng thống Iran và Syria trao đổi văn kiện sau khi ký biên bản ghi nhớ về “hợp tác chiến lược lâu dài” tại Damascus vào ngày 3/5/2023

Cuộc họp diễn ra hai tuần, sau sự kiện đàm phán do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tổ chức tại thành phố Jeddah của Arab Saudi, với sự tham gia của Ai Cập, Jordan và Iraq. Tuy nhiên, tại sự kiện này, Syria và khối Arab đã không đạt được thỏa thuận về khả năng tái gia nhập Liên đoàn. Các quốc gia Arab và những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc xung đột đang suy tính đến khả năng mời Tổng thống Syria Bashar al-Assad tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab ngày 19/5, tổ chức tại Riyadh, nhằm thảo luận về tốc độ bình thường hóa quan hệ với chính phủ của ông Assad và những điều kiện cần thỏa để Syria được phép quay trở lại Liên đoàn.

Từ lâu, Arab Saudi đã phản đối ý định bình thường hóa quan hệ với chính phủ của ông Assad. Dù vậy, sau khi nối lại quan hệ với Iran - đồng minh quan trọng của Syria, Arab Saudi cho biết cần tìm cách thức mới để tiếp cận với Syria, vốn đang bị phương Tây trừng phạt.

Tại cuộc họp ở Jeddah, đã có nhiều nước phản đối dự tính mời ông Assad tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab. Qatar, Jordan và Kuwait cho rằng, thời điểm bây giờ là còn quá sớm để Damascus đồng ý đàm phán về một kế hoạch hòa bình. Giới quan chức cho biết, vào hôm 30/4, ông Ayman Safadi đã có cuộc gặp gỡ với bà Barbara Leaf - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên phụ trách về quan hệ vùng Trung Đông. Tuy Mỹ cho biết sẽ không thay đổi định hướng chính sách của họ đối với chính phủ Syria, quốc gia này vẫn thúc giục khối Arab đòi quyền lợi nếu muốn bình thường hóa lại với Syria. Đến nay Mỹ, Pháp vẫn chủ trương trừng phạt Damascus. Nhưng làm thế nào duy trì đường lối đó khi mà Syria được Nga yểm trợ về quân sự, lại được Iran đỡ đầu và giờ đây lại có thêm một tiếng nói trọng lượng khác là Arab Saudi? Washington và Paris ý thức được rằng sớm muộn gì Syria cũng sẽ được hội nhập lại với khối các quốc gia Arab và do vậy đòi hỏi duy nhất của họ là Damascus trả tự do các tù nhân và tìm một giải pháp chính trị chấm dứt khủng hoảng. Từ khi bắt tay Iran, dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, Arab Saudi khẳng định vai trò trung tâm bàn cờ ngoại giao tại Trung Đông. Vị thế của phương Tây, đứng đầu là Mỹ, tại khu vực càng bị thu hẹp lại trước viễn cảnh Riyad cùng với Tehran đưa Syria hội nhập trở lại với các nước vùng Vịnh và khối các quốc gia Arab.

Vào hôm 2/5, những Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và chỉ huy tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran và Syria đã tổ chức một buổi thảo luận mà Ankara và Moscow mô tả là “đầy tính xây dựng”, nhằm nỗ lực khôi phục quan hệ giữa Ankara và Damascus sau nhiều năm căng thẳng. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ phe đối lập chính trị và phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời gửi quân đến vùng tây bắc Syria do phiến quân kiểm soát trong thời gian nội chiến. Nga - đồng minh chính của Syria, đang thúc đẩy hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút toàn bộ quân khỏi đất Syria để khôi phục quan hệ của hai bên.

Theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, bình thường hóa quan hệ giữa Ankara và Damascus là một trong những chủ đề được thảo luận tại Moscow, với sự tham dự của những đại diện đến từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria. Những biện pháp tăng cường an ninh tại Syria cũng đã được thảo luận. Nội dung tuyên bố cho thấy, một lần nữa, bốn quốc gia này khẳng định mong muốn bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và tính cần thiết của việc tăng cường nỗ lực để đẩy nhanh quá trình đưa người tị nạn Syria trở về quê hương. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Syria cho biết, nội dung trao đổi tập trung vào việc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi nước này, cũng như mở lại đường cao tốc chiến lược - giúp Damascus nối lại thương mại với những nước láng giềng.

Trước đó, vào tháng 12/2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã họp mặt tại Moscow. Đó là cuộc họp cấp bộ trưởng cấp cao đầu tiên giữa Damascus và Ankara, kể từ nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011. Theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ từ tuần trước, những người đứng đầu cơ quan ngoại giao của bốn quốc gia dự kiến sẽ gặp nhau. Tuy nhiên, ngày giờ chưa được ấn định, do những hạn chế về lịch trình làm cản trở khả năng họp mặt vào đầu tháng 5.

Tóm lại, trước mắt không có chuyện Syria hội nhập trở lại với toàn thế giới. Trên đây mới chỉ là những bước đầu để đưa Syria trở lại với thế giới Arab như Bộ Ngoại giao Arab Saudi ghi nhận và qua đó Riyad mong rằng Liên đoàn Arab ngừng phong tỏa tài sản của Damascus, cho phép Syria tái thiết đất nước.