Thế giới nhen nhóm bùng dịch lần hai, từ Trung Quốc tới châu Âu

Thứ ba, 12/05/2020, 15:30 PM

Đợt bùng dịch lần hai dường như bắt đầu xuất hiện ở một số quốc gia khi các biện pháp ngăn chặn dịch đang được nới lỏng, khiến nhiều chính phủ lo lắng khi mở lại nền kinh tế.

Hàn Quốc đối mặt nguy cơ bùng dịch lần hai với ổ dịch mới ở khu phố đêm Itaewon.

Hàn Quốc đối mặt nguy cơ bùng dịch lần hai với ổ dịch mới ở khu phố đêm Itaewon.

Tại Trung Quốc, nhiều ca mắc mới ở Vũ Hán cuối tuần qua sau nhiều tuần không ghi nhận ca mắc nào. Đây cũng là sự gia tăng ca mới lớn nhất của thành phố này kể từ ngày 11/3. Vũ Hán được gỡ bỏ phong tỏa một tháng trước sau 76 ngày bị khóa chặt.

Ngoài ra, một ổ dịch khác xuất hiện ở thành phố Shulan, phía Đông Bắc gần biên giới Triều Tiên. Trong ngày 10/5, thành phố này có tới 17 ca mới.

Tại Hàn Quốc – vốn được cho là một kiểu mẫu về ngăn chặn Covid-19 - lại đang đối mặt với một ổ dịch đáng lo ngại ở khu phố đêm Itaewon của Seoul sau khi nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội.

Hàn Quốc đã hoãn mở lại trường học. Thủ đô Seoul, cũng như tỉnh Gyeonggi lân cận và thành phố Incheon gần đó, đã đóng cửa tất cả các câu lạc bộ và quán bar. Tuy nhiên, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc Jeong Eun-kyeong cho rằng không phù hợp khi gọi đây là đợt bùng phát thứ hai.

Ở Đức, số ca mới gia tăng trở lại khi các hạn chế được nới lỏng trên toàn quốc, với mỗi người bệnh hiện đang lây nhiễm cho nhiều hơn một người khác.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo địa phương thúc giục Thủ tướng Angela Merkel khởi động lại đời sống xã hội và khôi phục nền kinh tế. Nhiều cuộc biểu tình chống phong tỏa xuất hiện ở một số thành phố.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 10/5 đã vạch ra "lộ trình thận trọng" để đưa đất nước trở lại làm việc, bao gồm cả lời khuyên mọi người tự che mặt bằng khẩu trang tự chế.

"Thách thức của chúng ta bây giờ là tìm ra một hướng đi để vừa bảo tồn thành quả đã giành được vừa giảm bớt gánh nặng của lệnh phong tỏa. Đây là một sự cân bằng cực kỳ khó khăn”, ông Johnson nói trong một tuyên bố.

Ông Johnson đang bị mắc kẹp giữa những công nhân lo sợ rằng vẫn chưa an toàn để tiếp tục làm việc, và các đảng viên của ông kêu gọi chấm dứt hạn chế để giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế Anh.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia Luân Đôn cảnh báo số người chết của nước này, hiện đã vượt quá 32.000 người, có thể lên tới 100.000 nếu các hạn chế được nới lỏng quá nhanh.

Singapore cũng đang thận trọng nới lỏng một số biện pháp nghiêm ngặt nhất đã được áp dụng kể từ ngày 22/4, khi các doanh nghiệp như các cửa hàng bánh, dịch vụ làm tóc và phòng y học cổ truyền Trung Quốc được yêu cầu đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 .

Các doanh nghiệp này sẽ được phép mở lại ngày 12/5 nếu họ tuân theo các nguyên tắc và hạn chế nghiêm ngặt, chẳng hạn như sử dụng hệ thống đăng ký kỹ thuật số có tên SafeEntry để ghi lại tất cả thông tin của những người đến và đi.

Họ cũng bắt buộc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội vì số lượng các ca nhiễm ở Singapore vẫn cao dù mức lây lan trong cộng đồng thấp. Những người lao động cư trú trong ký túc xá vẫn chiếm phần lớn các ca Covid-19 ở nước này.

Bộ Y tế Singapore công bố 486 ca Covid-19 mới vào hôm 11/5, nâng tổng số ca nhiễm lên 23.787.

Thế giới đã ghi nhận 4.254.321 ca nhiễm, trong đó có 287.265 ca tử vong, 46.936 ca đang nguy kịch.

Bài liên quan