Thiếu quy định hàng 'Made in Việt Nam', khó xử lý được Asanzo

Thứ năm, 27/06/2019, 05:51 AM

Từ vụ Asanzo có thể thấy, do thiếu quy định rõ ràng về gắn mác hàng “made in Việt Nam” khiến cho nhiều doanh nghiệp lợi dụng để gian lận, đánh lừa người tiêu dùng.

thieu-quy-dinh-hang-made-in-viet-nam-kho-xu-ly-duoc-asanzo
Thiếu quy định hàng 'Made in Việt Nam', khó xử lý được Asanzo. Ảnh minh họa

Chỉ chưa đầy 2 năm, vụ việc từ Khaisilk, rồi Asanzo mới đây nhất là nghi vấn Sunhouse đặt ra yêu cầu bức thiết phải có quy định rõ ràng hàng hóa thế nào mới được gắn mác “made in Việt Nam”. Bởi xuất xứ hàng hóa sẽ điều chỉnh hành vi mua sắm, lựa chọn của người tiêu dùng, việc thiếu quy định này dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng để gian lận.

Cách đây gần 2 năm, trước khi khi vụ việc Công ty Khải Đức (đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk) nhập khăn lụa từ Trung Quốc, sau đó cắt nhãn gắn vào đó thương hiệu "khăn lụa Khaisilk", xuất xứ Việt Nam bị phanh phui. Hầu hết người tiêu dùng lựa chọn thương hiệu khăn lụa Khaisilk vì tin rằng đây là lụa tơ tằm của Việt Nam. 

Nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn mua sản phẩm Khaisilk làm quà tặng cho đối tác, người thân nước ngoài. Nếu không vì tin khăn lụa Khaisilk là lụa tơ tằm của Việt Nam, chắc chắn thương hiệu này không dễ chiếm được thị trường.

Tương tự với Asanzo, trước khi loạt bài điều tra của báo Tuổi trẻ TP HCM đăng tải, qua thông tin quảng cáo, người tiêu dùng hiểu Asanzo là sản phẩm "made in Việt Nam" với tiêu chuẩn, công nghệ Nhật Bản. Cùng với chiến lược marketing khủng, giá thành sản phẩm hợp lý Công ty CP Tập đoàn điện tử Asanzo nhanh chóng vào Top 3 thương hiệu điện tử hàng đầu thị trường Việt Nam. 

Trước đó, phóng sự điều tra của báo Tuổi trẻ TP HCM cho thấy công ty Asanzo đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm "đánh lận con đen", nhập hàng nguyên chiếc từ Trung Quốc nhưng lại dán mác Việt Nam để qua mặt người tiêu dùng cùng các cơ quan quản lý.

Thậm chí theo phản ánh, Asanzo còn lập nên các công ty "ma", không có thật, để nhập hàng Asanzo từ Trung Quốc sau đó bí mật đưa về các nhà máy của Asanzo tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, Asanzo cho công nhân gỡ tem "made in China" trên sản phẩm rồi dán đè tem "xuất xứ Việt Nam" trước khi tung ra thị trường. Có hẳn một quy trình ráp màn hình ti vi tại nhà máy Asanzo mà công nhân phải tuân theo việc bỏ tem "made in China".

Vụ việc Asanzo chưa lắng xuống, dư luận xôn xao trước thông tin hình ảnh về sản phẩm nồi cơm điện SHD8602 của Công ty CP Tập đoàn Sunhouse có tem hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng ở dưới kệ bán hàng lại ghi xuất xứ Trung Quốc.
 
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người tiêu dùng, Công ty CP Tập đoàn Sunhouse đã có “động thái” lên tiếng về vụ việc này. Theo như giải thích từ phía tập đoàn này cho biết, hình ảnh sản phẩm được đặt tại bảng giá của siêu thị Co.op Mart ghi xuất xứ Trung Quốc dẫn đến hiểu lầm sản phẩm SHD8602 nhập khẩu Trung quốc…
thieu-quy-dinh-hang-made-in-viet-nam-kho-xu-ly-duoc-asanzo
Từ vụ Asanzo có thể thấy, do thiếu quy định rõ ràng về gắn mác hàng “made in Việt Nam” khiến cho nhiều doanh nghiệp lợi dụng để gian lận, đánh lừa người tiêu dùng.
Trở lại vấn đề thiếu quy định hàng 'Made in Việt Nam', tháng 2 năm nay, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cảnh báo: Xuất phát từ thực tế Nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã khẳng định được chất lượng cao, ổn định, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Việt Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.
 
Có trường hợp thương nhân không cố tình gian lận, nhưng quan niệm của thương nhân về vấn đề này còn đơn giản, không nhận thức hết những ảnh hưởng to lớn đối với nền sản xuất quốc gia.
 
Tại các nước tiên tiến quy định về việc ghi nhãn xuất xử hàng hóa rất chặt chẽ. Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể. Ví dụ quy định của Thụy Sỹ đối với đồng hồ, quy định của Hoa Kỳ đối với ô tô, hàng dệt may và len, quy định của New Zealand đối với rượu vang...
 
Nhiều nước cho phép áp dụng việc ghi nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước. Một khi hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định.
 
Các nước đưa ra quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhằm mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất tại nước đó nói chung và bảo hộ thương hiệu của sản phẩm cụ thể. Tiêu chí và điều kiện ghi nhãn xuất xứ có thể được quy định chung như “made in…, produced in…” hoặc chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể như “designed by/in…, assembled in…, processed in…, packaged in…, imported by/for”.
 
Về chế tài xử phạt, một số nước có chế tài xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa. Ví dụ, theo quy định của Ý, tổ chức, cá nhân gắn nhãn “Made in Italy” vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chí “Made in Italy” có thể phải nộp phạt tới 100.000 Euro.
 
Tại Canada, theo Luật Cạnh tranh, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm việc gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu USD Canada, truy cứu trách nhiệm hình sự và/hoặc phạt tù từ 1 – 14 năm.
 

Nhập khẩu hàng Trung Quốc dán mác hàng Việt: Biểu hiện kinh doanh chụp giật

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, vụ việc của Asanzo có thể dẫn đến phạm luật, vi phạm đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Việc làm của họ có biểu hiện cho con đường “chụp giật".

 

Từ vụ Asanzo: Danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 'trao nhầm' cho bao nhiêu doanh nghiệp?

Asazo - Hàng Việt Nam chất lượng cao đã bị cáo buộc dùng hàng Trung Quốc nhưng "đội lốt" hàng Việt Nam. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng. Nhất là phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đang lên cao.

 

Sau Asanzo nhiều doanh nghiệp vào 'tầm ngắm' thanh, kiểm tra

Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát nhằm phát hiện các trường hợp tương tự Asanzo và đề xuất các biện pháp thanh kiểm tra, chống thất thu, nợ động thuế, chống chuyển giá, trốn thuế...