Thu phí ‘BOT vào chùa’: ‘Người ta đang lợi dụng tín ngưỡng để kinh doanh’

Thứ năm, 01/03/2018, 02:33 AM

Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, điều bất cập hiện nay là nhiều người lợi dụng tín ngưỡng, dùng hình tượng chùa để kinh doanh, khiến người dân có thể hiểu sai về Đạo Phật.

BOT-den-chua-tintucvietnam.vn
Bảng giá thu phí vào chùa Yên Tử. Ảnh Báo Lao Động

Bức xúc vì phí vào chùa quá cao

Những ngày qua, nhiều người du xuân, cúng lễ ở chùa Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) bày tỏ thắc mắc trước việc tỉnh này thu phí trở lại sau 10 năm dừng thu.

Một số người bức xúc cho rằng việc thu phí là không hợp lý, “đi lễ chùa cũng phải nộp phí thì mất hết ý nghĩa”. Điều đáng nói là với mức thu phí 20.000 đồng với trẻ em và 40.000 đồng mỗi người lớn là quá cao.

Người dân cho rằng đến Yên Tử phải mất rất nhiều khoản phí như gửi xe, phí cáp treo, xe điện, phí tham quan vào cửa như vậy là phí chồng phí. Cửa bán vé chẳng khác nào “trạm BOT” trước cửa chùa.

Trước đó trả lời trên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc thu phí danh lam thắng cảnh Yên Tử được dựa trên các quy định của Luật phí và lệ phí. Việc thu phí thăm quan di tích và danh lam thắng cảnh Yên Tử đã được thị xã Uông Bí (nay là thành phố Uông Bí) triển khai thực hiện từ năm 1986. Nguồn thu từ phí thăm quan được thành phố quản lý và sử dụng vào mục đích trùng tu, tôn tạo di tích, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông...

Đến năm 2007, tỉnh Quảng Ninh đã giao cho nhà chùa thu và quản lý toàn bộ nguồn thu công đức và giọt dầu tại Yên Tử để xây dựng một số công trình lớn.

BOT-den-chua-tintucvietnam.vn1
Muốn chiêm bái Phật du khách phải qua cửa soát vé, có vé mới được vào. Ảnh báo Bảo vệ pháp luật

“Trong thời gian qua, khu di tích Yên tử được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng (như: đường xá, công trình dịch vụ, hệ thống các chùa: Chùa Trình, Suối Tắm, Cẩm thực, Giải Oan, Hoa Yên... mở rộng tuyến đường giao thông Yên Tử, tuyến đường kết nối từ Ngọa Vân Đông Triều về Yên Tử, đầu tư xây dựng Rừng quốc gia Yên Tử...).

Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư, tu bổ sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách và việc chi phí cho hoạt động quản lý lễ hội hằng năm... đều lấy từ nguồn ngân sách nhà nước”, ông Tú cho biết.

Trả lời của lãnh đạo TP Uông Bí có thể hiểu việc thu phí vào chùa Yên Tử nhằm hoàn lại khoản tiền đã đầu tư vào công trình cơ sở hạ tầng quan trọng như: đường xá, công trình dịch vụ, hệ thống các chùa.

Liên quan câu chuyện đầu tư công trình cơ sở hạ tầng khu vực xung quanh chùa sau đó thu tiền người dân để hoàn vốn, trao đổi với phóng viên - Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, nguyên nhân dẫn đến phản ứng khách tham quan chùa Yên Tử là thiếu sự minh bạch.

tien-si-vu-the-khanh-tintucvietnam
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA. Ảnh Hoàng Lực

“Thu phí cũng được, nhưng thu để làm gì? Nếu để hoàn tiền đã đầu tư vào các công trình hạ tầng thì cần đặt lại câu chuyện khi đầu tư hạ tầng chính quyền địa phương có tiến hành đầu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư không. Ngay khi đầu tư, có công khai trên phương tiện truyền thông để tham khảo ý kiến người dân, đồng thời khi tiến hành đầu tư có thông tin về việc sẽ thu phí sau khi công trình hoàn thành không?. Nếu quy trình đầu tư này được làm chu đáo thì chắc chắn người dân sẽ chẳng thắc mắc gì”, TS Vũ Thế Khanh đặt vấn đề.

Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, nếu chính quyền địa phương công khai khoản đầu tư có lẽ sẽ có doanh nghiệp, nhà hảo tâm sẵn sàng công đức, hoặc đầu tư nhưng thu vé với mức hợp lý  hơn . Tóm lại là phải minh bạch suất đầu tư, minh bạch thu chi, minh bạch về mục đích đầu tư.

Lợi dụng hình tượng tôn giáo, tín ngưỡng để kinh doanh

Có một thực tế đáng buồn là nhiều danh lam thắng cảnh đặc biệt, di tích chùa cổ đang trở thành điểm kinh doanh du lịch móc túi người dân trong những dịp lễ hội.

Chị Tạ Thị Lý (Hà Nội) một Phật tử vừa đi hành hương lễ Phật ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) bức xúc: “Xe chở chúng tôi đến chùa nhưng cổng chính không mở, để lên chùa được thì chỉ có hai cách: một đi bộ rất xa hai là đi xe điện với chiều đi về là 60.000 đồng”.

Theo chị Lý, đi lễ chùa nhưng cổng chính không mở bắt khách phải đi bộ hoặc sử dụng xe điện của doanh nghiệp dịch vụ khác gì chặt chém, kinh doanh tín ngưỡng?

Trao đổi với phóng viên về thực tế này, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh cho rằng, chùa Bái Đính chỉ có cái vỏ hình thức của chùa, còn thực chất đó chỉ là mục đích thuần túy là kinh doanh du lịch,  không phải là nơi thực hành tín ngưỡng.

“Chùa là một hình ảnh tượng trưng của ngôi Tam Bảo, phải mang đầy đủ  ý nghĩa về  Phật – Pháp – Tăng có nghĩa là phải tuân theo Chánh pháp của Nhà Phật, phải có hệ thống truyền giảng giáo lý chính thống của Nhà Phật , phải có các Chánh Tăng tu hành và giảng pháp cho Phật tử.

Những nơi như Bái Đính đang thực hành hiện nay thì thiếu tiêu chuẩn của một ngôi Tam Bảo  , thực chất người ta lợi dụng hình tượng chùa để kinh doanh thuần túy ”, Tiến sĩ Khanh thẳng thắn cho biết.

Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cũng cho biết, vấn đề lợi dụng hình ảnh chùa, lạm dụng tín ngưỡng tôn giáo để kinh doanh, đầu tư xây chùa chỉ để kinh doanh là có lỗi lớn với Đạo Phật, làm cho Phật Tử dễ hiểu sai về mục đích thiêng liêng của Phật Giáo, việc này có thể cũng có trách nhiệm một phần nào đó  từ các cơ quan chức năng sở tại trong việc cấp phép đầu tư.

“Nếu nhà đầu tư một khu du lịch để kinh doanh thì sẽ khác với đầu tư xây dựng cải tạo chùa sau đó làm điểm  kinh doanh. Bởi nhà đầu tư khu du lịch chi phí đầu tư, thuế suất  kinh doanh, đền bù đất đai hoa màu, tiền thuê mặt bằng sẽ khác. Chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt văn hóa tâm linh, cách quản lý và chi phí thuế nghĩa vụ sẽ khác với khu kinh doanh du lịch”, Tiến sĩ Khanh nói.

Khi thực hiện dự án đầu tư kinh doanh còn có kiểm toán độc lập, có giám sát, còn khi xây dựng ngôi chùa chi phí bao nhiêu, thu phí thế nào, và tiền công đức của thập phương là bao nhiêu hoàn toàn không được kiểm soát.

“Với việc để một số cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng chùa tại các di tích quốc gia sau đó cho họ tự thu phí là việc làm sai, bởi chúng ta giao tài sản quốc gia (chính là giao tài sản  phi vật thể ) để cho tư nhân khai thác.

Còn Về người dân đi lễ chùa thì sao? Đạo Phật, là đạo Giác ngộ giải thoát, từ bi, hoan hỉ, đi lễ chùa mà lại không được an lạc hoan hỉ, lại còn mua thêm bực tức vào mình, từ đó dễ dẫn đến cách hiểu sai của người dân về đạo Phật”, Tiến sĩ Khanh nêu thực tế.

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh cho biết, hiện nay có nhiều ngôi chùa như chùa Ba Vàng, các Thiền Viện theo thiền phái Trúc Lâm và một số ngôi chùa linh thiêng khác đã không thu lệ phí vào cửa, không thu lệ phí trông xe, không thu lệ phí vệ sinh, không thu tiền dịch vụ trong khu vực của chùa, đó là những nơi đã và đang góp phần hướng dẫn Phật tử tu hành đúng chánh pháp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi đang lạm dụng tín ngưỡng, lạm dụng lòng tin của đồng bào, Phật tử đối với đạo Phật mà bày ra các hình thức kinh doanh trái đạo lý, rất phản cảm. Đã đến lúc cần có sự quản lý nghiêm với việc một số cá nhân, một số ban quản lý chùa chiền, lợi dung tín ngưỡng tôn giáo để kinh doanh, để móc túi người dân, Phật tử một cách tùy tiện như hiện nay.

 

Bộ VHTT-DLL vào cuộc vụ thanh niên ngã cây chuối ở lễ hội tại Bắc Kạn

Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) đã yêu cầu Sở VHTT tỉnh Bắc Kạn báo cáo về vụ việc nam thanh niên trèo cây chuối ngã bất tỉnh xảy ra tại lễ hội Lồng Tồng (xã Hà Vị, huyện Bạch Thông).

 

Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh lên tiếng chuyện du khách bị thu phí vãn cảnh Yên Tử

Mỗi hành khách đến lễ chùa Yên Tử phải nộp phí 20.000 đồng (trẻ em dưới 7 tuổi), 40.000 đồng (người lớn), việc này khiến nhiều du khách vô cùng bất ngờ.

 

Người dân thắc mắc đi lễ chùa ở Yên Tử phải nộp phí

Người dân đi du xuân, cúng lễ ở Yên Tử (Quảng Ninh) phải nộp phí từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng.