Thu phí chùa Yên Tử: Cái khó của những địa phương có di tích quốc gia

Thứ sáu, 02/03/2018, 12:09 PM

Dư luận bức xúc khi chiêm bái Phật phải trả phí, tuy nhiên nhìn dưới góc độ tài chính nếu không có khoản thu này, ngân sách địa phương lấy đâu tiền để tu bổ di tích đền chùa quốc gia.

bot-cua-chua-cai-kho-cua-nhung-dia-phuong-co-di-tich-quoc-gia
Thông báo mức thu phí chùa Yên Tử.

80% đưa vào ngân sách

Những ngày qua câu chuyện thu phí chùa Yên Tử trở thành tâm điểm được dư luận xã hội quan tâm. Sau 10 năm tạm dừng, Quảng Ninh thu phí chùa Yên Tử trở lại với mức giá 40.000/người lớn và 20 nghìn/trẻ em.

Lý giải cho việc thu phí, trả lời trên Diễn đàn doanh nghiệp ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong thời gian qua, khu di tích Yên tử được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng (như: đường xá, công trình dịch vụ, hệ thống các chùa: Chùa Trình, Suối Tắm, Cẩm thực, Giải Oan, Hoa Yên... mở rộng tuyến đường giao thông Yên Tử, tuyến đường kết nối từ Ngọa Vân Đông Triều về Yên Tử, đầu tư xây dựng Rừng quốc gia Yên Tử...).

bot-cua-chua-cai-kho-cua-nhung-dia-phuong-co-di-tich-quoc-gia
Người dân cho rằng mức thu phí chùa Yên Tử quá cao.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư, tu bổ, sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách và việc chi phí cho hoạt động quản lý lễ hội hằng năm... đều lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.

Như vậy có thể hiểu, việc thu phí chùa Yên Tử nhằm hoàn lại khoản tiền đã đầu tư vào công trình cơ sở hạ tầng quan trọng như: đường xá, công trình dịch vụ, hệ thống các chùa.

Tại cuộc họp báo chiều 28/2, ông Vũ Văn Hợp - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc thu phí tham quan di tích quốc gia Yên Tử từng được thực hiện trước năm 2007 và dừng từ 10 năm nay. Thời gian qua, Quảng Ninh đã cùng các doanh nghiệp, người dân đầu tư lớn để có được một Yên Tử như hôm nay.

Trong khi đó theo ông Phạm Văn Dược – Phó trưởng Ban Quản lý di tích quốc gia Yên Tử cho biết, việc thu phí là nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đồng thời có thêm và chủ động nguồn vốn cho việc bảo vệ, quản lý di tích; mong người dân, du khách chia sẻ.

“Với những sửa chữa nhỏ thì có thể cân đối từ nguồn ngân sách dành cho ban mỗi năm khoảng 10 tỉ đồng để xử lý. Nhưng khi chi lớn hơn, phải đề xuất xin kinh phí, cũng lại lấy từ ngân sách Nhà nước”, ông Dược cho biết.

Về ý kiến thu phí tham quan sẽ dẫn đến phí chồng phí, khi vừa phải trả phí cáp treo, xe điện vừa phải trả phí vào cửa ông Dược cho biết, thực tế phí chỉ có từ 20.000-40.000 đồng/người/lượt; còn cáp treo, xe điện ai dùng thì mới phải trả tiền. “Vì thế, không thể nói phí chồng phí được”, ông Dược nói.

Dự kiến, 20% tổng số tiền thu phí sẽ dành nuôi bộ máy Ban quản lý di tích lịch sử Yên Tử và các khoản chi khác; 80% còn lại nộp ngân sách Nhà nước để bổ sung cho TP Uông Bí thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử.

Như vậy có thể thấy khoản thu chùa Yên Tử chủ yếu nộp vào ngân sách nhà nước nhằm quay lại phục vụ đầu tư, quản lý di tích Yên Tử.

Ước tính, từ 1/1/2018 đến nay, số tiền thu phí tham quan Yên Tử đạt trên 10,5 tỉ đồng.

bot-cua-chua-cai-kho-cua-nhung-dia-phuong-co-di-tich-quoc-gia
Người dân xếp hàng mua vé vào chùa Yên Tử

Trả lời câu hỏi của báo giới tại cuộc họp thường kỳ tháng 2/2018 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) Trịnh Thị Thủy cho biết, việc thu phí di tích tại một số địa phương, căn cứ Luật Phí và lệ phí, Nghị định 120/NĐ-CP 2016 hướng dẫn một số điều của Luật Phí và lệ phí, Thông tư 250 năm 2016 của Bộ Tài chính… và theo rà soát mà chúng tôi nắm được, tất cả các địa phương khi có thu phí, lệ phí đều đã căn cứ các quy định nêu trên, không có việc thu phí tùy tiện.

“Với việc thu phí tại Yên Tử, chúng tôi đã rà soát và được biết việc triển khai đã theo đúng quy định của pháp luật, được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy rằng việc thu phí là chủ trương chung của các địa phương để có nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo di tích”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói.

Chỉ nên thu dưới 10.000 đồng

Trong bối cảnh ngân sách quốc gia khó khăn việc thu phí chùa Yên Tử đượ xem là một cách huy động nguồn tiền của người dân cùng với nhà nước trùng tu di tích quốc gia.

Trao đổi với phóng viên TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, việc thu phí chùa Yên Tử là quyền của địa phương và đã được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua. Đồng thời cả Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định không vi phạm.

TS Nguyenminhphong
TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, việc thu phí chùa Yên Tử cần xem lại mức phí

TS Nguyễn Minh Phong ủng hộ thu phí chùa Yên Tử hay những di tích quốc gia khác tuy nhiên cần xem lại mức phí, cũng như khoản chi.

“Trong câu chuyện thu phí chùa Yên Tử nên điều chỉnh mức thu sao cho tối thiểu, không phải 40.000 đồng mà chỉ nên tối đa 10.000 đồng/lượt/người trở lại.

Với đối tượng thương binh, trẻ em, người già miễn phí thậm chí ai xin cũng có thể cho vào miễn phí, tránh để người dân suy nghĩ có tiền mới được đến với Phật”, TS Phong nói.

Mặt khác, để bù khoản chi phí đầu tư tôn tạo di tích Yên Tử, theo TS Nguyễn Minh Phong tỉnh Quảng Ninh có thể tăng thu của đơn vị kinh doanh dịch vụ trong khu di tích như cáp treo, xe điện, bán hàng quán…Dùng thuế đó để bù vào phần thu phí của khách.

“Nguyên tắc chỉ thu phí cao với khoản dịch vụ thương mại, có lợi nhuận kinh doanh ở trong khu di tích như cáp treo, xe điện, hàng quan.... Đồng thời không lạm dụng việc thu phí vào chùa thành một khoản thu ngân sách cho địa phương”, TS Phong nhấn mạnh.

Ở góc cạnh nghiên cứu tâm linh, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, nguyên nhân dẫn đến phản ứng khách tham quan chùa Yên Tử là thiếu sự minh bạch.

“Thu phí cũng được, nhưng thu để làm gì? Nếu để hoàn tiền đã đầu tư vào các công trình hạ tầng thì cần đặt lại câu chuyện khi đầu tư hạ tầng chính quyền địa phương có tiến hành đầu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư không.

Ngay khi đầu tư, có công khai trên phương tiện truyền thông để tham khảo ý kiến người dân, đồng thời khi tiến hành đầu tư có thông tin về việc sẽ thu phí sau khi công trình hoàn thành không?. Nếu quy trình đầu tư này được làm chu đáo thì chắc chắn người dân sẽ chẳng thắc mắc gì”, TS Vũ Thế Khanh đặt vấn đề.

Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, nếu chính quyền địa phương công khai khoản đầu tư có lẽ sẽ có doanh nghiệp, nhà hảo tâm sẵn sàng công đức, hoặc đầu tư nhưng thu vé với mức hợp lý  hơn . Tóm lại là phải minh bạch suất đầu tư, minh bạch thu chi, minh bạch về mục đích đầu tư.

Theo ý kiến nhiều du khách thập phương đến di tích Yên Tử, việc thu phí chùa Yên Tử là cần thiết nhưng cần xem lại mức thu bởi với mức thu từ 20.000 đồng – 40.000 đồng/khách/lượt là cao.

Có thể nói câu chuyện thu phí chùa Yên Tử đang có dư luận trái chiều, trong đó phần đa phản đối. Tuy nhiên khách quan mà nói, với những địa phương có danh thắng di tích quốc gia cũng có khó khăn riêng.

Cụ thể,nếu không tu tạo di tích, xây dựng cơ sở vật chất, đường xá, dịch vụ sẽ bị dư luận lên án không quan tâm đầu tư, bỏ quên di tích. Tuy nhiên, khi đầu tư cần kinh phí, kinh phí đó thường lấy ngân sách. Khi đó cần khoản thu để bù vào phần chi kinh phí cũng như duy trì việc tu tạo hàng năm.

Đã có ý kiến cho rằng nên đấu thầu công khai, tuy nhiên nếu huy động vốn xã hội hóa, huy động doanh nghiệp tư nhân đầu tư thì quay trở lại doanh nghiệp cũng sẽ đòi quyền khai thác dịch vụ. Như vậy rất dễ rơi vào vòng xoáy như kêu gọi đầu tư BOT giao thông, suy cho cùng doanh nghiệp đầu tư vẫn phải tiến hành thu phí.

Có lẽ dư luận nên nhìn nhận công bằng hơn với việc thu phí vào chùa Yên Tử nói riêng và thu phí vào di tích đền chùa khác, đồng thời tỉnh Quảng Ninh cũng cần lắng nghe dư luận điều chỉnh mức phí hợp lý.

 

‘BOT cửa Chùa’: Sao bắt dân nghèo bán 40 củ su hào mới vào được chùa?

Đại Đức Thích Nhân Tuấn chia sẻ, việc Quảng Ninh thu vé người dân đến chùa Yên Tử không khác nào “ngăn sông cấm chợ” để thương mại hóa Đạo Phật

 

Thu phí ‘BOT vào chùa’: ‘Người ta đang lợi dụng tín ngưỡng để kinh doanh’

Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, điều bất cập hiện nay là nhiều người lợi dụng tín ngưỡng, dùng hình tượng chùa để kinh doanh, khiến người dân có thể hiểu sai về Đạo Phật.

 

Người dân thắc mắc đi lễ chùa ở Yên Tử phải nộp phí

Người dân đi du xuân, cúng lễ ở Yên Tử (Quảng Ninh) phải nộp phí từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng.