Thừa Thiên Huế nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19

Thứ bảy, 29/08/2020, 19:57 PM

Tỉnh Thừa Thiên Huế nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch nhằm đảm bảo yêu cầu mục tiêu kép về phát triển kinh tế xã hội và phòng chống dịch.

Khai báo y tế ở chốt kiểm soát y tế số 6. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Khai báo y tế ở chốt kiểm soát y tế số 6. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Ngày 29/8, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh ngày 28/8.

Đáng chú ý, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế - thống nhất nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch nhằm đảm bảo yêu cầu mục tiêu kép về phát triển kinh tế xã hội và phòng chống dịch.

Cụ thể, người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung trên 50 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Việc cưới hỏi, lễ tang, liên hoan, tân gia… khuyến cáo người dân tổ chức đơn giản, văn minh, tiến bộ, không tập trung quá 50 người vào cùng một thời điểm.

Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện trên 50 người và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, quán game online.

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, cà phê, giải khát...), khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh tiếp tục được hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.

Nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.

Sở Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược Huế nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Ban Chỉ đạo về thời gian, lộ trình cụ thể trong việc dỡ bỏ hạn chế, cho phép người dân từ các tỉnh có dịch đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi các tỉnh đó công bố hết thực hiện giản cách xã hội (hoặc thời gian cụ thể tính từ ca nhiễm bệnh dương tính cuối cùng) đảm bảo cơ sở khoa học và đảm bảo nguyên tắc an toàn cao nhất trong công tác phòng chống dịch, loại trừ tối đa nguy cơ có khả năng lây nhiễm từ các đối tượng này khi đến địa bàn tỉnh; báo cáo Ban Chỉ đạo tại cuộc họp giao ban ngày 31/8.

Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu tham mưu về lộ trình cho phép hoạt động các tuyến xe buýt nội tỉnh liên tỉnh, các tuyến xe khách liên tỉnh (trước mắt là với Đắk Lắk, Quảng Ngãi…); báo cáo Ban Chỉ đạo tại cuộc họp giao ban ngày 31/8.

Hằng ngày ở chốt kiểm soát y tế số 5 có rất nhiều người dân trở về từ tâm dịch Đà Nẵng vào khai báo y tế. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Hằng ngày ở chốt kiểm soát y tế số 5 có rất nhiều người dân trở về từ tâm dịch Đà Nẵng vào khai báo y tế. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai nội dung Công văn số 7821 ngày 28/8 của UBND tỉnh. Các cơ sở giáo dục trường học, đại học, kể cả các trường Đại học thành viên của Đại học Huế phải báo cáo phương án, lộ trình, giải pháp tiếp nhận, tổ chức học tập cho học viên (phương án cách ly, học online, lùi thời gian học...). Nguyên tắc là sinh viên về từ các vùng có dịch khi tham gia học phải hoàn toàn không có yếu tố có nguy cơ lây nhiễm.

Văn phòng UBND tỉnh bố trí lịch để lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh để thống nhất phương án triển khai…

Theo ông Phan Ngọc Thọ, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca tái nhiễm, một số ca phát hiện, dương tính khi đã hết thời hạn cách ly.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, nguy cơ xuất hiện dịch trong cộng đồng là thường trực vì vẫn còn mầm bệnh. Tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và cà người dân vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tập trung đông người, không đảm bảo khoảng cách khi tiếp xúc.

Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn rất cao, ông Thọ yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tinh thần cảnh giác cao độ, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch; nhất là tại các cơ sở y tế, các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, các Chốt kiểm tra, các cơ sở cách ly. Các trường hợp hết thời hạn cách ly tập trung phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính mới đưa về nơi cư trú và yêu cầu tự cách ly theo dõi tại nhà thêm 14 ngày.

Bài liên quan