Thừa Thiên Huế tiếp tục phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ tư, 18/09/2019, 13:57 PM

Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây nhiễm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó, tỉnh này sẽ tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch và quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn sau dịch.

thua-thien-hue-tiep-tuc-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi
Tiêu độc khử trùng ngăn ngừa dịch lây lan.

Ngày 18/9, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, dự báo, bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây nhiễm và tái phát kéo dài trong thời gian tới là rất cao.

Để tránh tư tưởng chủ quan và tiếp tục tăng cường các biện pháp chủ động khống chế bệnh dịch trên địa bàn tỉnh, giúp người dân ổn định phát triển chăn nuôi an toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP Huế, các cấp, các ngành có liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh; Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Thông báo kết luận số 5542/TB-BNN-TY.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo thực hiện một số giải pháp kỹ thuật: Tiếp tục duy trì các lực lượng phối hợp ứng trực 24/24 tại các Chốt Kiểm dịch động vật để kiểm tra, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào hoặc đi ngang qua địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm theo đúng quy định các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức và cá nhân.

Định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất như: Ben Kocide, Han Iodine, xút (NaOH)… theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch. 

Tăng cường công tác giám sát dịch tễ, kịp thời phát hiện bệnh để báo cáo các cơ quan liên quan áp dụng các biện pháp đồng bộ khống chế, bao vây, dập tắt; Thực hiện đúng quy trình trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y nhằm đảm bảo cung cấp đủ sản phẩm lợn sạch, an toàn cho người tiêu dùng; Tiếp tục tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến người dân về diễn biến tình hình bệnh dịch…

Ngoài ra, còn quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn trong vùng không có dịch và vùng hết dịch bệnh dịch. Sau khi công bố hết dịch và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, các cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn so với công suất thiết kế tại cơ sở.

thua-thien-hue-tiep-tuc-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi
Rải vôi bột trên các tuyến đường.

Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

Hướng dẫn, khuyến khích và chỉ đạo các cơ sở, các hộ dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học theo Hướng dẫn số 254/HD-CCCNTY ngày 17/7/2019 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Trong đó lưu ý các nội dung, vị trí chăn nuôi phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương hoặc được các cơ quan có thẩm quyền cho phép; Chuồng trại chăn nuôi phải cách biệt với nơi ở; đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng; Lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch. Trước khi nhập đàn, lợn phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.

Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp. Không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn lợn đã bị dịch cho đàn lợn mới; Phải vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống thường xuyên. Thực hiện tiêm phòng cho đàn lợn theo đúng quy định. Trong trường hợp phát hiện có dịch, phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về chống dịch.

Các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải: Chất thải rắn phải được thu gom và trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch bệnh. Nước thải sau khi xử lý, thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn.

Được biết, tính đến ngày 12/9, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 631 thôn, tăng 50 thôn so với tháng trước. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 63.361 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 3.616.088 kg.

 

54 xã ở Thừa Thiên Huế xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

Tính đến ngày 30/5, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra trên đàn lợn của 530 hộ chăn nuôi, 367 thôn, 54 xã thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

8/9 huyện thị của tỉnh Thừa Thiên Huế xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 8 huyện, thị của Thừa Thiên Huế gồm Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Hương Trà, Hương Thủy và TP Huế.

 

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát dữ dội ở Quảng Nam

Sau huyện Duy Xuyên, một huyện khác của tỉnh Quảng Nam là Thăng Bình vừa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi.