Tin mới nhất vụ vụ tài xế kiện Grab ra tòa

Thứ sáu, 16/10/2020, 09:32 AM

TAND Q.10 TP HCM xác nhận, ngày 20/10 sẽ mở phiên tòa sơ thấm xét xử vụ án "Tranh chấp hợp đồng dịch vụ" do ông Nguyễn Văn Hưng kiện dịch vụ Grab.

Ngày 20/10, xử vụ tài xế kiện Grab ra tòa vì tài khoản bị khóa

Ngày 20/10, xử vụ tài xế kiện Grab ra tòa vì tài khoản bị khóa

TAND Q.10 xác nhận sẽ mở phiên tòa sơ thấm xét xử vụ án "Tranh chấp hợp đồng dịch vụ" giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hưng, bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab) vào ngày 20/10.

Theo hồ sơ, đầu tháng 1/2018, sau khi đọc các quảng cáo của Grab về việc tuyển dụng đối tác lái xe với thu nhập cao xấp xỉ 40 triệu đồng/tháng, ông Nguyễn Văn Hưng đã lên văn phòng Grab để đăng ký trở thành đối tác tài xế của Grab.

Tại văn phòng của Grab số 268 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP.HCM, nhân viên Grab đã đưa ra một danh sách các hợp tác xã vận tải đang là đối tác của Grab và tư vấn ông Hưng lựa chọn một hợp tác xã trong đó để đăng ký làm xã viên và chỉ có như vậy mới có thể trở thành đối tác tài xế cho Grab.

Tại thời điểm đó, ông Hưng đang là xã viên hợp tác xã Xe Việt nên phải thanh lý hợp đồng xã viên với Xe Việt để chuyển sang làm xã viên của Hợp tác xã vận tải Hoà Bình) nằm trong danh sách HTX đối tác của Grab.

Sau khi được HTX vận tải Hoà Bình xác nhận xã viên và xin cấp phù hiệu xe hợp đồng, ông Hưng được Grab tập huấn, cài đặt phần mềm kết nối gọi xe trên điện thoại và ký giấy yêu cầu kết nối phần mềm cùng bộ quy tắc ứng xử Grabcar đã có sẵn.

Đang chạy bình thường, ngày 14/11/2018 ông Hưng bất ngờ nhận được email và tin nhắn tự động từ hệ thống của Grab thông báo ngừng hợp tác vĩnh viễn. Lý do: Tỷ lệ huỷ cuốc xe do tài xế huỷ cuốc (bao gồm tài xế + tài xế yêu cầu khách huỷ + tài xế yêu cầu tổng đài huỷ) trên mức 25%.

Ông Hưng cho rằng căn cứ vào Bộ Luật dân sự, Luật giao thông đường bộ, Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô; Căn cứ Điều 45, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Căn cứ Đề án thí điểm 24 của Bộ GTVT... thì việc Grab đơn phương ngắt kết nối vĩnh viễn tài khoản, là hành vi trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng về vật chất và tinh thần đến cá nhân và gia đình ông.

Chính vì lí do này, sau khi toà hoà giải nhiều lần, ông Hưng khởi kiện.

Trước đó Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) khởi kiện Công ty TNHH Grab (Grab) bắt đầu từ tháng 6/2017. Phía Vinasun cho rằng, Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành quyết định 24 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (Đề án 24) để thực hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.Theo Vinasun, những vi phạm của Grab đã khiến DN này bị thiệt hại gần 42 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Phiên tòa đã được mở 2 lần vào tháng 2 và tháng 9/2018 nhưng sau đó đã bị hoãn.

Vào chiều ngày 23/10/2018 Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) yêu cầu Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) phải bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng, và phải bồi thường một lần. Diễn biến này khiến vụ kiện đang trở thành tâm điểm của dư luận và giới công nghệ.

Ngày 10/3/2020, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên án Công ty TNHH Grab Việt Nam gây thiệt hại cho taxi Vinasun, buộc phải bồi thường thiện hại 4,8 tỷ đồng. 

Bài liên quan