TP.HCM: Vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn các dự án

Thứ sáu, 18/11/2022, 15:04 PM

Theo các chuyên gia bất động sản, vướng mắc pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh.

Vướng mắc về pháp lý là khó khăn lớn nhất của các dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM.

Vướng mắc về pháp lý là khó khăn lớn nhất của các dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM.

Mới đây, sau cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản tại TP.HCM do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cùng với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đã thông tin lại một số nội dung cuộc họp nói trên.

Cụ thể, theo HoREA, thông tin về hai cuộc họp trên đây đã tác động rất tích cực làm tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư và cũng đã tác động rất tích cực đến thị trường chứng khoán với điểm nhấn là cuối phiên ngày 8.11 đã chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm điểm và quay đầu tăng nhẹ 6,46% đến cuối phiên sáng 9.11 sắc xanh tiếp tục đà tăng nhẹ 8,97%.

Cùng với đó, cuộc họp tại TP.HCM đã thống nhất đánh giá về vị trí quan trọng của thị trường bất động sản, đóng góp hơn 11% GDP cả nước, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, có quan hệ hữu cơ với nhiều ngành nghề, tạo được nhiều công ăn việc làm cho xã hội.

Tuy nhiên, hiện thị trường này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, vướng mắc pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.

Bên cạnh đó, trong báo cáo gần đây từ Bộ Xây dựng chỉ ra, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng đều tăng… dẫn đến chi phí của doanh nghiệp tăng theo. Mặt khác, việc kiểm soát chặt thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu khiến khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp cũng trở nên hạn chế khi triển khai dự án. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, những nguyên nhân này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Huyền Trang – Giám đốc Nghiên Cứu và Tư Vấn JLL (tập đoàn hàng đầu chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản chuyên nghiệp) cho rằng, vấn đề lãi suất tăng và thắt chặt tín dụng chắc chắn chưa thể tháo gỡ một cách nhanh chóng, vì vậy khó khăn đối với thị trường nói chung còn tồn đọng trong ngắn và trung hạn. Những trở ngại về rào cản pháp lý, tiếp cận nguồn vốn và biến động của nền kinh tế tiếp tục làm ảnh hưởng đến nguồn cung mới.

Thẳng thắn nhìn nhận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường bất động sản thời gian tới sẽ vẫn gặp khó. Để thị trường được cải thiện, ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Chính vì vậy, giải pháp lớn nhất, có tính quyết định nhất là thực hiện đúng mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nhằm phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, nhưng dự kiến Luật Đất đai và một số luật liên quan (mới) đến ngày 1/7/2024 mới có hiệu lực.

Do đó, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11/2022 “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”, để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án đô thị, nhà ở.

Trong đó, sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội và sửa đổi Nghị định 31/2021/NĐ-CP để tháo gỡ vướng mắc về thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch.

Tiếp đến, vướng mắc thứ hai là thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại và cả dự án nhà ở xã hội (mất khoảng 3-5 năm), thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

Do vậy, đi đôi với việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất thì các doanh nghiệp đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại theo Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập ban công tác đặc biệt hoặc tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình, làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường.

Trong đó, 64 dự án tại TP.HCM theo chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và thực hiện thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực. Để các doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm nộp nghĩa vụ tài chính bao gồm cả nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) vào ngân sách nhà nước, để cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện, góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.