Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài: Dân không đi đường BOT vẫn bị thu phí, bỏ là đúng

Thứ năm, 07/06/2018, 17:55 PM

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ủng hộ việc TP Hà Nội đề nghi Bộ Giao thông vận tải xem xét giải tỏa trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài vì đây là trạm thu phí đặt sai vị trí.

tram-bot-bac-thang-long-noi-bai-dan-khong-di-duong-bot-van-bi-thu-phi-bo-la-dung
TP Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét giải tỏa trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài. 

Nhiều năm qua, cử tri của Hà Nội đã bày tỏ sự bức xúc và có ý kiến đề xuất thành phố có kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải, trình Chính phủ xem xét giải quyết dứt điểm vấn đề này, di chuyển trạm thu phí Bắc Thăng Long- Nội Bài về đúng vị trí của dự án.

Nguyên do là Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được thu để hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng lại đặt trên đường Võ Văn Kiệt (Sóc Sơn, Hà Nội).

Vì thế, người dân không sử dụng tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên (đặc biệt là khách du lịch, hành khách đi sân bay Nội Bài, nhân dân huyện Sóc Sơn) vẫn phải nộp tiền thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ là không đúng, khiến cử tri TP Hà Nội bức xúc và đã có ý kiến.

Hơn nữa, việc di chuyển trạm thu phí này phù hợp với công tác quản lý hạ tầng và tránh ùn tắc giao thông vì Trạm nằm trên tuyến cửa ngõ nối sân bay quốc tế Nội Bài với trung tâm Thủ đô.

Trước bức xúc này, UBND TP Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải với nội dung xem xét giải tỏa trạm thu giá Bắc Thăng Long – Nội Bài. Không phải bây giờ mà từ 2013, Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải xóa bỏ trạm BOT vô lý này.

Được biết trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện do Vietracimex8 thu và quản lý. Trạm thu phí này chính thức bàn giao cho nhà đầu tư thu phí hoàn vốn Dự án từ ngày 1/1/2011. Thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm 10 tháng 11 ngày. Theo thời gian thì phải gần 4 năm nữa mới thu đủ phí hoàn vốn.

tram-bot-bac-thang-long-noi-bai-dan-khong-di-duong-bot-van-bi-thu-phi-bo-la-dung
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ trước việc Hà Nội đề xuất bỏ trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài.

Trước việc UBND TP Hà Nội có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải với nội dung xem xét giải tỏa trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài trao đổi với phóng viên chiều ngày 7/6 ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ với Hà Nội.

Theo ông Thanh điểm vô lý của trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài chính là vị trí thu phí. “Bức xúc lớn nhất của người dân là vị trí đặt trạm thu phí, ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất thu phi khi người dân không đi đường BOT; Thứ hai vị trí trạm thu phí đặt án ngữ ngay tuyến đường vào thủ đô”, ông Thanh cho biết.

Theo ông trước đây Hà Nội từng đề xuất di dời nhưng không được chấp nhận vì vị trí đặt trạm thu phí này nằm trong thỏa thuận giữa nhà đầu tư và Bộ Giao thông vận tải khi thực hiện đoạn tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài tuy nhiên nếu xóa bỏ thì chắc chắn sẽ di dời chỗ mới, nếu di dơi chỗ mới liệu có tăng phí không?”, ông Thanh cho hay.

Được biết năm 2013 khi trả lời UBND TP Hà Nội về đề nghị di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải thời điểm đó là ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng, chủ trương hoạt động của trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, Vĩnh Thanh thực hiện theo đúng Nghị định 18 - Quỹ bảo trì đường bộ. Nếu muốn trạm dừng hoạt động, Nhà nước phải mua lại.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 4/6, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc đặt trạm thu phí BOT sai vị trí, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng có những dự án do lịch sử để lại, khi chuyển về thì Bộ tiếp nhận.

Như trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài ra tiếp nhận Bộ đã báo cáo Chính phủ, năm 2014, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo tiếp tục thu phí. Hiện nay nếu di dời thì phải tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để có khoản kinh phí với hợp đồng của nhà đầu tư BOT.

Trước đó, trong báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về tình hình xử lý bất cập tại các dự án BOT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký ngày 31/5 gửi Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị giữ nguyên vị trí trạm này để tiếp tục thu giá hoàn vốn cho dự án.

Theo UBND TP Hà Nội hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 4 trạm thu phí trên các tuyến đường được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Bao gồm: Trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thanh Trì); Trạm cao tốc Hà Nội - Lào Cai (Sóc Sơn); Trạm Hà Nội - Bắc Giang (Gia Lâm); và Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Sóc Sơn).

Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp đều phản ánh mức phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT hiện nay cao, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ.

Bên cạnh đó, các trạm thu phí hiện đang thu trực tiếp bằng tiền mặt, dẫn đến ùn tắc khi qua trạm, gây bức xúc cho người tham gia giao thông, đồng thời dễ dẫn đến thất thoát, thiếu minh bạch, khó kiểm soát, quản lý.

Do đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải tỏa.

Công văn trên cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát mức phí dịch vụ trên các dự án BOT để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.

Các trạm soát vé trên địa bàn TP Hà Nội nằm tại các trục đường giao thông đầu mối quan trọng cần sớm đầu tư thiết bị để chuyển sang thu phí dịch vụ đường bộ tự động không dừng để tăng cường khả năng lưu thông, khắc phục ùn tắc và nâng cao hiệu quả quản lý.

 

Dự án đường BOT: 'Đi một đường thu một nẻo'

Đồng tình quan điểm với nhiều đại biểu Quốc hội TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đường BOT đang có thực tế đi một đường thu một nẻo.

 

Thu phí BOT: Người dân không xin mà cần minh bạch

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, người dân không xin doanh nghiệp, nhà nước ưu tiên, miễn giảm mà là việc sòng phẳng, đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu?

 

17 trạm BOT sai vị trí, Bộ GTVT đề xuất xoá bỏ… 1 trạm

Chuẩn bị cho phiên đăng đàn trả lời chất vấn sáng mai, 4/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể gửi tới Quốc hội báo cáo về các nhóm vấn đề được chọn chất vấn. Theo Bộ trưởng, trong 17 trạm thu phí “đi lạc”, Bộ GTVT đề xuất xóa 1 trạm, gộp 1 trạm, 15 trạm giữ nguyên…