Trình Quốc hội xem xét Ngày gia đình Việt Nam 28/6 là ngày nghỉ lễ trong năm

Thứ tư, 06/11/2019, 21:14 PM

Chính phủ thống nhất trình Quốc hội xem xét bổ sung ngày 28/6 - Ngày Gia đình Việt Nam là ngày nghỉ lễ.

trinh-quoc-hoi-xem-xet-ngay-gia-dinh-viet-nam-286-la-ngay-nghi-le-trong-nam
Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) được đề xuất là ngày nghỉ lễ trong năm. (Ảnh minh họa).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã ký Tờ trình gửi Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về một số nội dung lớn của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi như: Giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu.

Đặc biệt, trong Tờ trình, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội xem xét bổ sung một ngày nghỉ lễ là ngày 28/6 - Ngày Gia đình Việt Nam.

Hiện nay, Luật Lao động quy định người lao động có 10 ngày nghỉ lễ được hưởng lương trong năm, nhưng các ngày này phân bổ không đều trong năm. Đặc biệt, khoảng thời gian từ tháng 5 tới tháng 9 hàng năm, chưa có ngày nghỉ nào.

Về nội dung giờ làm thêm, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định trần làm thêm giờ tối đa theo tháng là không quá 40 giờ. Đồng thời, quy định rõ trong luật các lĩnh vực, trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm, gồm: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử và trong những trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn theo quy định của Chính phủ.

Trong khi đó, giờ làm việc bình thường được giữ nguyên theo quy định hiện hành. Thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, trong luật cũng quy định khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

Phân tích của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, về góc độ kinh tế, nếu giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần thì tổng thời gian giảm là 208 giờ/năm (tương đương 8,4%); đánh giá sơ bộ cho thấy, tổng chi phí lao động tăng lên khoảng 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm đi khoảng 20 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm.

Điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể giảm đi khoảng gần 0,5%, ảnh hưởng đến nỗ lực của chúng ta đang phấn đấu để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.

Theo dự báo của các chuyên gia, nếu muốn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam phải phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm.

Chính phủ cho rằng đây là vấn đề rất lớn, hệ trọng, liên quan đến nhiều chủ thể, bao gồm người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước và có tác động rất lớn đến năng suất, tăng trưởng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế, cần phải được nghiên cứu, đánh giá một cách rất kỹ lưỡng. Chính phủ chưa có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và chưa trình việc giảm thời giờ làm việc bình thường tại thời điểm này.

Do đó, Chính phủ thống nhất cao với tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14, trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành, đồng thời đề nghị bổ sung, quy định rõ trong luật.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/trinh-quoc-hoi-xem-xet-ngay-gia-dinh-viet-nam-28-6-la-ngay-nghi-le-trong-nam-140962.html