Trong nỗi buồn tượng gỗ hay ánh mắt cô đơn giữa đại ngàn của già làng Kon Ch'ro

Thứ tư, 13/02/2019, 15:20 PM

Lão ngồi lặng một lúc, đến tẩu thuốc cũng không còn bốc khói rồi chỉ vào ngực mình, nơi ngực trái mà bảo lão đau chỗ này lắm. Vì trong làng giờ chỉ còn lão và một người nữa biết đẽo tượng mà thôi.

trong-noi-buon-tuong-go
Những tâm tư của cả một trời quá vãng như hằn in lên đôi mắt của già Uế khi đẽo tượng.

Lão nghệ nhân già Uế (70 tuổi, ở Kon Ch'ro, Gia Lai) dừng tay đục. Đôi mắt quầng thâm vẫn toát lên những ánh nhìn tinh anh nhìn về hướng đại ngàn. Lâu rồi già mới đẽo tượng, thế nhưng cái tay vẫn rất dẻo, cái mắt nhìn vẫn chuẩn từng đường đục đường rìu, và cái bụng thì vẫn đau đáu với những thân tượng đang dần thành hình.

Lão ngồi lặng một lúc, tẩu thuốc không còn bốc khói. Có lẽ lão đang nhớ lại thời quá vãng, khi những tượng mồ thủa trước sống dậy trong tâm tưởng. Lão chỉ vào ngực mình, nơi ngực trái mà bảo lão đau chỗ này lắm. Vì trong làng giờ chỉ còn lão và một người nữa biết đẽo tượng mà thôi. Lũ trai lũ gái trong làng giờ không thích đẽo tượng nữa, và chẳng còn ai để cho lão truyền nghề. Lão lo, sau này làng chẳng còn ai biết đẽo tượng, những mùa Ning Nơng, mùa Pơ Thi hay ngày hội của làng sẽ chẳng còn ai biết làm tượng, những gì mà cha ông ngàn đời đã làm sẽ mất đi mãi mãi...

trong-noi-buon-tuong-go
Trong nắng chiều cao nguyên, người nghệ nhân già mải miết với nỗi niềm của mình.

Già Uế bùi ngùi nhìn về phía đại ngàn, nơi đó có thấp thoáng những bản làng nằm dưới cổ thụ rêu phong, những bức tượng hình người, vật với đủ hình thù kì dị đứng yên lặng trong bóng chiều quạnh hiu, u tịch. Không gian trầm lặng khiến cho những bức tượng gỗ có hồn, có những cung bậc cảm xúc, lòng tiếc thương như của người sống đối với người đã khuất.

Bao đời rồi, người Tây Nguyên như già Uế, như những già làng khác luôn đau đáu nỗi niềm tượng gỗ. Những thân gỗ vô tri qua bàn tay và tâm hồn của những người nghệ nhân già như già Uế đã biến thành những người phụ nữ giã gạo, dệt vải, là cánh đàn ông vào rừng săn bắn, đi rẫy, là không khí lễ hội rộn ràng của buôn làng cùng những khuôn mặt tươi vui khi biểu diễn nhạc cụ, nhảy múa, uống rượu cần... là người đàn ông đàn bà đang yêu, là người mẹ bồng con chờ chồng đi chiến trận...

"Mỗi bức tượng là cả một trời thương nhớ mà người nghệ nhân khắc vào đó lòng mình, sự hi vọng của mình. Đó là cả tâm tưởng, cả nền văn hóa, cả sự dồn nén bao năm tạc nên thành thân tượng!", già Uế mông lung nói thế trong nắng cao nguyên vàng rực.

trong-noi-buon-tuong-go
Già Uế đau đáu với những nhát đục để tạo hình cho bức tượng của mình.

Tôi đã đi nhiều buôn làng ở Tây Nguyên, gặp nhiều người đẽo tượng nhà mồ. Hiểu rằng với cộng đồng nơi đây, tượng nhà mồ mang tất cả thông điệp, hơi thở cuộc sống buôn làng cho những linh hồn sang thế giới của Yang – Atâu. Những người đẽo tượng đã thổi hồn vào những thớ gỗ, biến những thớ gỗ thành hình dáng con người, thổi vào đó hồn cốt của những nỗi niềm mang chở khao khát và ý nguyện của tộc người mình trên khắp dải đất nắng gió này.

Những bức tượng nhà mồ được tạo nên từ đôi bàn tay trần trụi rám nắng, bằng tình cảm nén chìm tròng lòng qua bao mùa rẫy, để rồi bật lên là dáng hình người đàn bà ôm mặt khóc thể hiện sự hoài niệm về cuộc sống, người trai trẻ rộn tiếng ching chiêng trong không khí hồ hởi, âm vang trong sinh hoạt cộng đồng hay tượng thể hiện hình những con vật trung thành, gần gũi được gửi theo để phục vụ người chết…

trong-noi-buon-tuong-go-hay-anh-mat-co-don-giua-dai-ngan-cua-nguoi-tho-gia
Những bức tượng nhà mồ được tạo nên từ đôi bàn tay trần trụi rám nắng, bằng tình cảm nén chìm tròng lòng qua bao mùa rẫy. Ảnh báo Gia Lai

Từng nhát búa, nhát đục, nhát rìu... của người nghệ nhân vung lên là cả một tâm tư mà họ muốn gửi vào trong những thớ gỗ. Để rồi, qua từng thời khắc, họ gửi gắm vào trong đó những điều mơ ước về một thế giới bên kia khoáng đạt, bao la và đầy vui sướng. Mỗi bức tượng được tạo tác không chỉ từ đôi bàn tay tài hoa, mà còn là cả sự tâm tình như với người đã khuất, được dựng lại trong trí nhớ và trong cả niềm tin tưởng không bao giờ mờ phai.

Chỉ buồn một nỗi tượng nhà mồ hiện đang dần thay đổi. Thời gian gần đây, những thay đổi lớn trong đời sống sinh hoạt cộng đồng các dân tộc thiểu số phần nào tác động đến quan niệm nghệ thuật tạc tượng nhà mồ. Một nguyên nhân khác khiến tượng mồ ngày càng thưa vắng, đó là các loại gỗ được chọn để làm tượng là cà chít, căm xe… đã trở nên khan hiếm. Và lại càng buồn hơn bởi hiện nay ở các khu nghĩa địa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là những ngôi mộ xây bằng bê tông cốt thép đang thay thế nhà mồ truyền thống.

trong-noi-buon-tuong-go
Những thân tượng mục nát bên nhà mồ, khiến trái tim những người già quặn thắt.

Khi những nhà mồ truyền thống không còn, thay vào đó là những ngôi mộ được xây dựng theo lối hiện đại, thì văn hóa nhà mồ với biết bao điều hấp dẫn, thú vị cũng sẽ không còn. Những người biết đẽo tượng ngày càng ít và già yếu, lớp trẻ thì không mặn mà, vậy nên việc đẽo tượng nhà mồ cũng gần như thất truyền, kéo theo đó là văn hóa nhà mồ rồi cũng sẽ rơi rụng theo thời gian.

Cứ thế, chỉ sau lễ bỏ mả, tượng mồ dần dần bị lãng quên và năm tháng, nắng mưa sẽ dần dà làm hư hỏng, tan biến những tác phẩm nghệ thuật tượng mồ vào với đất. Dẫu rằng tượng nhà mồ đã trở thành một nét văn hoá tâm linh không thể tách biệt, gắn chặt với cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây, nhưng nhìn những bức tượng đang dần mục nát kia, nhiều người không khỏi cảm thông cho nỗi buồn của những thân tượng mang ý nghĩa tâm linh dọc theo suốt hành trình cuộc sống ở thế giới hư vô. 

trong-noi-buon-tuong-go
Già Uế bên thân tượng đang tạo hình bằng rìu, đục và dao quắm.

Cứ thế, trong mênh mang chiều đại ngàn khi nói chuyện với người khách lạ đến từ đồng bằng, thi thoảng lão nghệ nhân già Uế lại chỉ vào ngực trái, nơi trái tim già đang buồn da diết mà thở dài.

Vậy mà cũng sắp tháng 3, tới mùa Ning Nơng, mùa của lễ hội chốn đại ngàn và già Uế vẫn lo nhiều lắm...

 

Nếu cảnh tranh chấp, tàn phá đất rừng vẫn thế... đại ngàn Tây Nguyên tương lai có lẽ chỉ còn trong 'cổ tích'

Tình trạng mua bán, tranh chấp đất rừng diễn ra công khai từ nhiều năm nay tại tỉnh Đắk Lắk nhưng không được xử lý triệt để nên dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng và làm hàng nghìn ha rừng biến mất mỗi năm.

 

'Rợn tóc gáy' trước nét ma mị của tu viện cổ Tả Phìn giữa đại ngàn Tây Bắc

Nếu vô tình lạc bước giữa đại ngàn Tây Bắc, đặt chân đến tu viện cổ Tả Phìn bạn sẽ được chiêm ngưỡng nét cổ kính xưa cũ khiến ai cũng phải "rợn tóc gáy".

 

Giọt nước mắt nghẹn ngào ở ‘làng ung thư’ giữa đại ngàn Tây Nguyên

Trong vòng 5 năm trở lại đây thôn 10/3 đã có 35 trường hợp tử vong vì căn bệnh ung thư. Riêng năm 2017, số người chết vì căn bệnh này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.