Trung Quốc hưởng lợi gì từ lệnh trừng phạt xuất khẩu năng lượng Nga?

Thứ sáu, 24/03/2023, 06:23 AM

Thứ Hai (20/3), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3.

3722a32-870533746-12472420230323112154

Chuyến thăm diễn ra chỉ hơn một năm sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, khiến phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc mua dầu thô và than đá của Nga, đồng thời Nhóm G7 cũng đồng ý áp mức giá trần đối với dầu thô của Nga vào tháng 12/2022.

EU cũng tạm dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga, làm méo mó thị trường LNG toàn cầu.

Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, không đồng tình với bất kỳ biện pháp trừng phạt nào trong số đó. Khi Moscow gánh chịu áp lực phải bán phần thặng dư mà trước đây dành cho EU, thì Trung Quốc đã tiết kiệm được hàng tỷ USD bằng cách mua dầu và than đá rẻ từ Nga, đồng thời làm giàu bằng cách buôn bán phần thặng dư.

Ông Tập muốn quan hệ đối tác năng lượng giữa Trung Quốc và Nga chặt chẽ hơn để duy trì chuỗi cung ứng và an ninh năng lượng quốc tế.

Sau đây là chi tiết về những lợi ích mà Trung Quốc đạt được cho đến nay.

DẦU THÔ

Năm 2022, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đã tăng 8% so với năm trước, đạt 86,25 triệu tấn (1,7 triệu thùng/ngày), ngay cả khi tổng kim ngạch nhập khẩu năm ngoái của Trung Quốc giảm 0,9% do suy thoái kinh tế, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Nga nắm giữ 17% thị phần dầu mỏ của Trung Quốc so với 15% vào năm trước, chỉ đứng sau Ả Rập Saudi, nhà cung cấp chính của Trung Quốc với 87,5 triệu tấn dầu thô.

Trung Quốc còn tiết kiệm hàng tỷ USD. Dựa vào mức chiết khấu ước tính 10 USD/thùng đối với dầu thô ESPO và dầu thô Urals, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã tiết kiệm được khoảng 5,5 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 1/2023, theo dữ liệu của Reuters.

Các nhà máy lọc dầu tư nhân ở phía đông tỉnh Sơn Đông là những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất. Các nhà máy lọc dầu nhà nước cũng tận dụng lợi thế dầu rẻ từ Nga, số khác kiếm được lợi nhuận từ việc kinh doanh các thùng dầu, các thương nhân cho biết.

Nhập khẩu dầu thô hàng hải của Trung Quốc từ Nga dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục khoảng 1,4 triệu thùng/ngày vào tháng 3/2023, theo Vortexa và Kpler.

THAN

Trung Quốc cũng đã tăng nhập khẩu than từ Nga, ngay cả khi nước này đã giảm nhập khẩu nhiên liệu do sản xuất trong nước tăng.

Theo dữ liệu hải quan, lượng than nhập khẩu từ Nga đã tăng 20% vào năm 2022 so với một năm trước đó, đạt 68,06 triệu tấn. Nhập khẩu than cốc tăng gấp đôi lên 21 triệu tấn. Trong khi Trung Quốc mua than giảm giá từ Nga thì châu Âu từ chối các lô hàng của Nga và cấm vận từ ngày 11/8/2022.

Nếu không phải vì cửa khẩu đường sắt của Nga bị tắc nghẽn gây cản trở việc vận chuyển than về phía đông, thì lượng nhập khẩu vào Trung Quốc có thể còn lớn hơn.

Giá nhập khẩu trung bình đối với than cốc của Nga là khoảng 217,33 USD/tấn vào năm 2022, so với giá trung bình đối với than cốc cao cấp của Úc là 364,66 USD/tấn trên cơ sở FOB.

LNG

Nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc từ Nga vào năm 2022 tăng hơn 40% theo tính toán hàng năm, đạt 6,5 triệu tấn, trong khi xuất khẩu tăng do Trung Quốc tái xuất khẩu lượng lớn sang các nhà nhập khẩu lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp.

Tổng nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong năm ngoái đã giảm 19,5%, xuống còn 63,4 triệu tấn do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt làm chậm hoạt động kinh tế và làm giảm nhu cầu.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nước này đã chi trung bình dưới 20 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) cho mỗi tấn LNG nhập khẩu từ Nga, so với giá trung bình của LNG giao ngay cho châu Á vào năm 2022 là 38,8 USD/mmBtu.

ĐIỆN

Nhập khẩu điện từ Nga, chủ yếu thông qua đường dây truyền tải xuyên biên giới nối phía đông bắc Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga, vẫn ổn định trong giai đoạn 2017-2020, ở mức khoảng 3 tỷ kilowatt giờ (kWh).

Nhập khẩu điện tăng lên 3,8 tỷ kWh vào năm 2021, do Trung Quốc bị thiếu điện trên diện rộng, và tiếp tục tăng 23% vào năm 2022, đạt 4,7 tỷ kWh.