Từ Việt Nam về nước, người Mỹ sốc với cách chính phủ chống dịch

Thứ ba, 31/03/2020, 15:55 PM

Khi từ Việt Nam về tới quê nhà Seattle, gia đình Paul Neville thấy sửng sốt với cách chống Covid-19 ở Mỹ, tờ Seattle Times ngày 27/3.

Gia đình Paul Neville.

Gia đình Paul Neville.

Cách đây vài ngày, Paul Neville, người từng có 14 năm làm trong Bộ ngoại giao của Mỹ, tốt nghiệp ĐH Washington và sinh sống ở Seattle, đã cùng gia đình gồm vợ và hai con rời Việt Nam sau khi Mỹ khuyến cáo công dân ở nước ngoài về nước.

"Khi Bộ ngoại giao Mỹ ban hành cảnh báo đi lại mức cao nhất (cấp 4), thúc giục mọi công dân trở về nước, gia đình tôi lập tức mua vé rời khỏi Việt Nam. Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ không ngừng tăng, tôi vẫn rất háo hức được trở về vì tin sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng hàng đầu", Neville nói.

Thế nhưng thay vì cảm giác nhẹ nhõm khi trở về quê hương, Neville cho biết ông có cảm giác bất an khi chứng kiến Mỹ có quá nhiều điểm thiếu sót khi phòng chống đại dịch Covid-19.

Trong khi ở Việt Nam, theo yêu cầu của chính phủ, tất cả mọi người phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Mọi tòa nhà đều có nhân viên trang bị máy đo thân nhiệt, cung cấp nước rửa tay ngay tại sảnh.

"Trên chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh đi Đài Bắc, chính phủ yêu cầu mọi hành khách phải đeo khẩu trang, kể cả cậu con trai 2 tuổi của tôi. Việt Nam - cũng giống như nhiều quốc gia tại châu Á, tiến hành ứng phó với đại dịch Covid-19 một cách cực kỳ nghiêm túc", ông nói.

Thế nhưng, trong chuyến bay chuyển tiếp từ Đài Bắc về Seattle, chỉ có khoảng một nửa hành khách đeo khẩu trang. Neville đã chặn lối đi của ba cô gái trẻ vừa trở về từ Thái Lan khi họ giả vờ ho, đùa giỡn về nguy cơ nhiễm Covid-19.

"Tôi đưa cho họ khẩu trang, nhưng cả ba từ chối với vẻ mặt bất cần. Tôi nổi cáu nhưng vợ tôi kéo tôi ngồi xuống vì sợ cả ba sẽ  bị đuổi khỏi máy bay và kẹt lại Đài Loan", ông nói. 

Khi máy bay hạ cánh tại Seattle, Neville tỏ ra ngạc nhiên khi các nhân viên y tế không hề mặc trong trang phục chống độc, hay có thiết bị đo nhân nhiệt trong khi Seattle là một trong những tâm dịch tại Mỹ. 

"Khi tôi hỏi nhân viên hải quan tại sao không đeo khẩu trang, cô đáp 'vì không có để đeo' kèm theo ánh mắt như thể tôi đang hỏi ngớ ngẩn", ông kể lại.

Neville cho biết, ở Việt Nam, nếu một người nhiễm bệnh, chính phủ sẽ ngay lập tức đóng cửa cả tòa nhà, thậm chí phong tỏa toàn chung cư. Tiếp đó, các cơ quan y tế sẽ lần theo lịch trình di chuyển của người nhiễm bệnh, xét nghiệm những người tiếp xúc gần.

Trong khi đó, rất nhiều người Mỹ đang không đánh giá đúng sự nguy hiểm của Covid-19. Hiện tại, cả nghìn tỉ USD đã "bốc hơi", hàng triệu lao động mất việc. "Vậy còn điều gì có thể thuyết phục mọi người rằng dịch bệnh này rất nghiêm trọng?", ông đặt câu hỏi. 

Dù vậy, ông cho biết họ không thể bỏ cuộc và ông không muốn hối hận vì trở về Mỹ. Theo ông, hóa ra Việt Nam giờ là nơi an toàn hơn.

Ông cho rằng người Mỹ cần tuân thủ các yêu cầu về "giãn cách xã hội", cũng như tăng tốc xét nghiệm cho mọi người, thúc đẩy sản xuất và phân phối khẩu trang cho nhân viên y tế, sau đó là nhân viên dịch vụ công ở sân bay và cuối cùng là người dân.

"Chúng tôi cũng cần ra quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên phương tiện giao thông công cộng, bao gồm máy bay", Neville cho biết. 

Ông hy vọng mọi người có thể kiên cường để cùng đưa Mỹ vượt qua đại dịch và chính phủ cần tiến hành những hành động quyết liệt và nhanh chóng ngay từ bây giờ để ngăn dịch.

Bài liên quan