Từ vụ xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 'Nên giao khoán xe công'

Thứ năm, 10/01/2019, 07:31 AM

Theo một số chuyên gia, để không còn chuyện xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng và để không còn tình trạng dùng xe công đi việc riêng thì nên áp dụng việc giao khoán xe công.

thuxin
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gửi thư xin lỗi về vụ xe biển xanh đón người nhà ở sân bay.

Vụ việc xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa qua gây ra nhiều ý kiến. 

Trong diễn biến mới nhất Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã gửi thư xin lỗi, song câu chuyện khiến không ít người dân và các chuyên gia đặt ra rằng: "Làm thế nào để hạn chế tình trạng xe biển xanh đón người nhà lãnh đạo cũng như làm thế nào để không còn tình trạng dùng xe công đi việc riêng?"

Trên thực tế câu chuyện khoán xe công đã nhiều lần được một số bộ ngành đề cập. Tiêu biểu như vào năm 2016, khi đó Bộ Tài Chính đã ra quyết định khoán kinh phí sử dụng xe công với các chức danh Thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) trực thuộc bộ.

Việc giao khoán xe công của Bộ Tài Chính thời điểm đó nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tranh cãi về vấn đề giá cả giao khoán. Một số ý kiến cho rằng, mức giá giao khoán xe công được Bộ Tài Chính đưa ra là quá cao...

Sau Bộ Tài Chính, lần lượt đến các địa phương như Hà Nội, TP HCM và một số bộ ngành khác cũng áp dụng phương thức này.

Đến tháng 8/2018, báo Đại Đoàn Kết trong bài viết "Khoán xe công: Kết quả không như mong đợi" thông tin cho biết: Thống kê của Bộ Tài chính cho biết, hiện đã có gần 20 bộ, ngành thực hiện thí điểm khoán xe công như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng… 

Cũng theo thông tin trong bài báo: Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, kinh phí khoán xe cho các Thứ trưởng cao nhất kinh phí hàng năm bỏ ra không quá 120 triệu đồng/người, trong khi để duy trì hoạt động một ô tô phục vụ chức danh bao gồm cả lái xe mỗi năm bình quân tốn tới 320 triệu đồng/xe. Như vậy, tính ra trung bình mỗi xe có thể tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng. Và nếu tính ở phạm vi toàn quốc, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng để phục vụ các chương trình an sinh xã hội khác.

Tuy nhiên, nghĩ là to vậy, nhưng thực ra, số lượng xe công đối với các chức danh lãnh đạo cao cấp, từ bộ trưởng hoặc tương đương trở lên không nhiều. Trong khi đó, dù thực hiện khoán xe công từ năm 2016 nhưng đến năm 2017, số lượng xe công vẫn không giảm là bao nhiều, thậm chí ngân sách vẫn phải chi ra để mua xe mới..."

Trở lại câu chuyện làm sao để hạn chế tình trạng xe biển xanh đón người nhà lãnh đạo cũng như làm thế nào để không còn tình trạng dùng xe công đi việc riêng? Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, để hạn chế việc sử dụng xe công đi việc riêng các cơ quan chức năng bộ, ngành nên thực hiện việc giao khoán.

"Ngoài việc sử dụng vào việc riêng nếu dùng xe công thì cũng không thể tránh khỏi việc thất thoát. Ở một số doanh nghiệp nước ngoài, với một số chức danh họ áp dụng việc thuê xe đi công tác như thế vừa tiết kiệm tiền công lại không lãng phí khi xe không chạy..." chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Hải đề cập.

Trong khi đó, trên tờ Vnexpress, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các chế độ đưa đón, phương tiện phục vụ quan chức nên được khoán vào lương thay vì phân bổ trực tiếp như lâu nay. Bà nhấn mạnh, đây là cách thức nhiều nước đã áp dụng và qua đó tiết kiệm đáng kể cho ngân sách cũng như tạo sự minh bạch trong sử dụng tài sản công.

Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (người từng từ chối xe công để đi xe ôm đi làm) cho biết: Câu chuyện xảy ra với Bộ Công Thương vừa qua ông cũng đã nắm được. "Dù Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh đã có thư xin lỗi nhưng tôi thấy rằng nhà nước phải có pháp quyền vì thế mọi việc cứ xử lý đúng pháp luật. Không thể cứ vi phạm rồi xin lỗi là xong..."

Tôi cho rằng, việc sử dụng xe công phải có chế tài chặt chẽ, ai vi phạm phải bị xử lý. "Việc khoán xe công nên được đưa vào áp dụng đồng loạt chứ không thể ai thích khoán thì khoán còn ai không thích khoán thì thôi như hiện nay", ông Thuận kết luận.

Theo TTXVN, tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ chiều 9/1, đề cập đến vụ việc dùng xe công để đón người nhà của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh gây ồn ào dư luận những ngày qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, chiều qua (8/1), trên mạng của Bộ Công Thương đã có văn bản giải thích về vấn đề này. Bộ trưởng Công Thương đã nhận trách nhiệm và xin lỗi.

Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết thêm, Luật Cán bộ, công chức quy định rất rõ những điều cấm cán bộ công chức không được làm (trước đây Pháp lệnh cán bộ công chức viên chức đã có quy định).

Trong đó có nội dung, cán bộ công chức không được lợi dụng vị trí, ảnh hưởng của mình để mưu cầu các lợi ích riêng. Quyền lợi, chế độ của cán bộ công chức cũng đã được quy định trong luật. Bên cạnh đó, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý còn phải thực hiện các quy định của Đảng.

 

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh gửi thư xin lỗi người dân

Bộ trưởng Bộ Công thương gửi thư xin lỗi người dân với tư cách người đứng đầu liên quan đến vụ việc để ôtô biển xanh vào đón người thân tại chân cầu tháng máy bay ở sân bay Nội Bài.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gửi thư xin lỗi, liệu thẻ kiểm soát an ninh của Bộ Công Thương có bị rút?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã gửi thư xin lỗi sau vụ xe biển xanh vào sân bay đón người nhà, giờ đây câu hỏi đặt ra là việc vi phạm có bị xử lý đúng luật?

 

Cảng vụ hàng không miền Bắc lên tiếng việc xe biển xanh vào sân bay đón khách ở cầu thang máy bay

Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã có những trả lời liên quan đến thông tin biển xanh vào sân bay đón khách ở cầu thang máy bay.