‘Vẽ ra’ những tiêu chuẩn mới cho nước mắm…để làm gì?

Chủ nhật, 10/03/2019, 07:05 AM

Cơ quan soạn thảo cho rằng tiêu chuẩn nước mắm đưa ra chỉ mang tính tham chiếu không bắt buộc tuy nhiên nội dung dự thảo lại đưa ra quy định gây khó dễ cho sản xuất nước mắm truyền thống.

nuocmam2_kfic
Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống lo ngại những quy định mà các cơ quan chức năng đưa ra

Mặc dù cả cơ quan soạn thảo lẫn thẩm định cùng các chuyên gia từng làm quản lý về thực phẩm đang đứng chung một phía để bảo vệ Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (gọi tắt dự thảo tiêu chuẩn nước mắm).

Trước bức xúc của doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nước mắm, hộ gia đình sản xuất nước mắm truyền thống cơ quan soạn thảo cho rằng tiêu chuẩn nước mắm đưa ra chỉ mang tính tham chiếu không bắt buộc. Vậy nếu không bắt buộc tại sao cần mất giấy mực soạn thảo? Tại sao nội dung dự thảo lại có nhiều nội dung quy định hoặc từ ngữ chưa sát, chưa phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm, gây khó dễ cho sản xuất nước mắm truyền thống?

Theo TS. Trần Thị Dung, một chuyên gia về nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản cũ, nay thuộc Bộ NN-PTNT) việc đưa ra tiêu chuẩn nước mắm phải để người tiêu dùng cần hiểu rõ là nước mắm truyền thống không giống như nước mắm pha loãng, nước mắm công nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, từ cái tên “nước mắm” đã bị lợi dụng, bị lập lờ đánh lận và người ta đang cố gắng để xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp (thực chất chỉ là nước chấm có pha hương liệu).

“Cái tên “nước mắm” phải được hiểu và chỉ sử dụng cho loại được làm từ cá và muối, chứ không phải là chuyện lấy nước mắm truyền thống về pha loãng ra, rồi cho các loại hóa chất vào”, TS. Dung nói.

TS. Trần Thị Dung thẳng thắn, trong dự thảo tiêu chuẩn nước mắm cơ quan soạn thảo đưa ra có tới hơn 50 nội dung quy định hoặc từ ngữ chưa sát, chưa phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm, gây khó dễ cho sản xuất nước mắm truyền thống.

Chẳng hạn như họ yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật của nước mắm, trong khi nguyên liệu làm ra nước mắm chủ yếu là từ cá biển chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi)…

Còn nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt của một số nơi thì chủ yếu được lấy từ phụ phẩm của cá tra, và việc kiểm soát các chỉ tiêu này là không cần thiết, bởi trên thực tế phụ phẩm của cá tra, khi sử dụng làm hàng xuất khẩu đã được kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Vì thế, những quy định của dự thảo sẽ khiến các nhà sản xuất nước mắm mất thêm chi phí, thời gian để đi kiểm nghiệm các chỉ tiêu không gây mất an toàn thực phẩm cho nước mắm. Và mặc dù tiêu chuẩn không bắt buộc nhưng sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý làm việc.

Theo TS Trần Thị Dung, doanh nghiệp lớn có nước mắm xuất khẩu do cục cấp, doanh nghiệp nhỏ do chi cục cấp, còn hộ nhỏ do phòng nông nghiệp cấp. “Họ đã được cho phép sản xuất vì đủ điều kiện về an toàn thực phẩm thì mới cho làm. Nếu không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn thì các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đã bị các nhà quản lý an toàn thực phẩm xử lý, và nếu không an toàn thì liệu họ có cho tồn tại không? Còn nếu đúng là các cơ sở nước mắm không đảm bảo như mọi người nói thì đóng cửa hết đi”, TS. Dung gay gắt.

Trước đó, báo chí cũng như dư luận xã hội liên tục phản ứng gay gắt về dự thảo TCVN - 12607:2019 do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản chủ trì xây dựng, vì cho rằng các nội dung có tính “tiêu chuẩn” nêu trong dự thảo có thể trói buộc, bóp chết nước mắm truyền thống.

Trên mạng xã hội, nhiều người bức xúc cho rằng, những chính sách, quy định mà các cơ quan chức năng liên tục đưa ra trong thời gian qua, mục đích là để thắt chặt nước mắm truyền thống, tạo điều kiện về thị phần, thị trường cho nước mắm công nghiệp, có lợi cho các tập đoàn sản xuất nước mắm, nước chấm công nghiệp.

 

Hà Nội: 74 cơ sở vi phạm phòng cháy chữa cháy

Công an TP Hà Nội vừa công khai danh sách 74 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.

 

Sửa Nghị định 86: Xe Grab có phải taxi?

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang nghiên cứu soạn thảo để trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 86 trong đó câu hỏi được dư luận quan tâm nhất là xe Grab có phải taxi?

 

Lãi suất vay mua nhà ở xã hội bao nhiêu?

Nhu cầu vay tiền mua nhà người dân ngày càng tăng, nhiều ngân hàng cho vay mua nhà vậy lãi suất vay mua nhà ở xã hội bao nhiêu.