Vi phạm kinh doanh trong thương mại điện tử có chiều hướng gia tăng

Thứ năm, 11/08/2022, 07:24 AM

Chỉ tính riêng trong tháng 7/2022, Cục QLTT Lạng Sơn kiểm tra, phát hiện 6 vụ việc vi phạm thông qua hình thức TMĐT faceboook, zalo.

Công chức Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Lạng Sơn) phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh vi phạm qua kinh doanh thương mại điện tử. Ảnh: Tổng cục Quản lý Thị trường.

Công chức Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Lạng Sơn) phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh vi phạm qua kinh doanh thương mại điện tử. Ảnh: Tổng cục Quản lý Thị trường.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Lạng Sơn đã phát hiện, xử lý 24 vụ việc. Xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 330.500.000 đồng; Trị giá hàng hóa vi phạm là 434.875.000 đồng. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là gần 600 triệu đồng.

Chỉ tính riêng trong tháng 7/2022, Cục QLTT Lạng Sơn kiểm tra, phát hiện 6 vụ việc vi phạm thông qua hình thức TMĐT faceboook, zalo…Các vi phạm chủ yếu là vi phạm về bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các mặt hàng được phát hiện vi phạm qua TMĐT bao gồm: thực phẩm chức năng, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng thuốc tân dược…

Cục QLTT Lạng Sơn sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh TMĐT.

Thuế TMĐT nộp ngân sách chưa tương xứng

Trước đó, ngày 1/8/2022, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phối hợp Tổng cục Thuế tổ chức Hội thảo về thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ. Trong đó đặc biệt là truy thu thuế từ các nguồn thu từ nước ngoài chuyển về trong các tháng cuối năm.

Doanh thu từ TMĐT rất lớn nhưng số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực này chưa tương xứng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ tính riêng nguồn thu từ Google, Cục Thuế TP.HCM đã xử lý 153 cá nhân và tổ chức; với số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp gần 150 tỷ đồng.

Nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT trên nền tảng số, theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, đơn vị này đã xây dựng cơ chế cung cấp thông tin của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, giao hàng.

"Các sàn thương mại điện tử, ngân hàng hay đơn vị giao nhận không cung cấp dữ liệu sắp tới đây sẽ đề nghị giải trình. Nếu không cung cấp sẽ lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo quy định của luật", ông Đỗ Quốc Tuấn - Phó trưởng phòng Thanh tra Kiểm tra số 10, Cục Thuế TP.HCM chia sẻ tại Hội thảo.

Căn cứ dữ liệu thu được, cơ quan thuế sẽ thực hiện rà soát, đối chiếu doanh thu đã kê khai của các tổ chức, cá nhân này để thực hiện truy thu và xử phạt theo quy định. Ngoài ra, ngành thuế TP.HCM cũng đẩy mạnh giải pháp cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử dễ dàng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu lớn, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đảm bảo thông tin của các tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT và các giao dịch thanh toán đối với dịch vụ số xuyên biên giới ngay khi phát sinh giao dịch.

Ngành thuế cũng phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để củng cố thông tin, cơ sở dữ liệu, từ đó hoàn thiện chính sách pháp luật và nâng cao công tác quản lý thuế.