Đất hiếm: Điểm yếu của Mỹ và quân cờ hiểm của Trung Quốc trong cuộc đối đầu công nghệ?

Thứ năm, 23/05/2019, 15:00 PM

Theo Sputnik, trong kế hoạch Mỹ áp thuế với hơn 300 tỷ USD hàng Trung Quốc còn lại, đất hiếm là một trong số rất ít mặt hàng không nằm trong danh sách bị áp thuế. Vì sao đất hiếm được ưu ái như vậy và liệu Trung Quốc có thể dùng tài nguyên này để mặc cả với Mỹ hay không?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm nơi sản xuất đất hiếm ở Giang Tây.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm nơi sản xuất đất hiếm ở Giang Tây.

Trong bài phát biểu được phát sóng ngày 22/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của đất hiếm, gọi đây là “tài nguyên chiến lược”.

Thật vậy, theo nhiều chuyên gia, việc đất hiếm không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế cho thấy Mỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc. Trung Quốc chiếm 95% sản lượng gần như độc quyền trên thị trường đất hiếm toàn cầu. Mỹ đang cố gắng duy trì nguồn cấp vật liệu liên tục cho các công ty Mỹ.

Chính vì vậy, nhiều người đang đề xuất Bắc Kinh dùng đất hiếm để mặc cả về công nghệ với Mỹ.

Vì sao Mỹ cần đất hiếm?

Đất hiếm (rare earth) là nhóm nguyên tố hiếm có hàm lượng ít trong vỏ Trái đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Đây là mặt hàng chiến lược.

Đất hiếm là vật liệu không thể thiếu trong sản xuất nhiều loại thiết bị điện tử hiện đại, bao gồm cả thiết bị quân sự.

Tại Mỹ, kim loại đất hiếm được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, từ chế tạo động cơ máy bay đến sản xuất điện thoại di động, khai thác dầu khí.

Trong khi đó, nguồn cung trong nước lại rất ít ỏi. Mỏ Mountain Pass tại California là nơi cung cấp đất hiếm duy nhất trên đất Mỹ. Tuy nhiên, mỏ bị đóng cửa năm 2015 vì gây ảnh hưởng quá lớn đến môi trường. Sau này mỏ được bán cho công ty do Trung Quốc hậu thuẫn, nhưng lại chuyển đất hiếm về Trung Quốc để tinh chế.

Trung Quốc hiện là nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất của Mỹ. Năm 2018, 59% lượng đất hiếm Mỹ nhập khẩu là từ Trung Quốc.

Trung Quốc có thể dùng đất hiếm để mặc cả với Mỹ không?

vi-sao-dat-hiem-khong-bi-ap-thue-va-trung-quoc-co-the-dung-de-chien-voi-my
Ảnh minh họa

Chuyên gia Trung Quốc Yang Siyu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế cho rằng Trung Quốc có đủ khả năng đáp trả thích đáng đối với các động thái leo thang cuộc chiến thương mại của Mỹ. Và việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm chỉ là một trong những phương án.

“Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp này (hạn chế xuất đất hiếm sang Mỹ). Tuy nhiên, có nhiều biện pháp đáp trả khác ngoài kim loại đất hiếm. Nếu Mỹ gây leo thang cuộc chiến thương mại, Trung Quốc chắc chắn sẽ có những hành động trả đũa. Không loại trừ khả năng, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có. Giờ thật khó để nói liệu kim loại đất hiếm có được dùng làm át chủ bài hay không”, ông Yang nói.

Nhật Bản đã từng là nạn nhân của việc Trung Quốc dùng đất hiếm làm “vũ khí”. Cách đây vài năm, Trung Quốc đã từng hạn chế việc cung cấp kim loại đất hiếm trong bối cảnh quan hệ với Nhật Bản trở thành căng thẳng hơn do tranh chấp lãnh thổ. Điều này đã giáng một đòn nặng nề đối với ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản.

Tuy nhiên, nhiều người khác nhận định, việc Trung Quốc dùng đất hiếm để đối phó Mỹ trong cuộc chiến thương mại chứa nhiều rủi ro.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có trữ lượng lớn đất hiếm. Năm 2018, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính trữ lượng đất hiếm trên toàn thế giới lên đến 120 triệu tấn, bao gồm 44 triệu ở Trung Quốc, 22 triệu ở Brazil và 18 triệu ở Nga.

Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu bởi các nước khác hạn chế sản xuất vì e ngại với các tác động cực lớn đối với mội trường. Khai thác và tinh chế đất hiếm sinh ra chất thải độc hại, có thể kèm theo cả các chất thải phóng xạ có hại.

Do vậy, không mua đất hiếm từ Trung Quốc, Mỹ có thể nhập khẩu mặt hàng này từ nhiều thị trường khác. Ngoài ra, Mỹ hoàn toàn có thể tự sản xuất nếu bị dồn vào “bước đường cùng”.

Hơn nữa, nếu Bắc Kinh dùng đất hiếm làm “vũ khí, nó có thể là biện pháp “gậy ông đập lưng ông” khi thúc đẩy Mỹ nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung thay thế.

"Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ hạn chế xuất xuất khẩu (đất hiếm), nhưng xem ra những gì chúng ta đang thấy hiện nay chỉ là một dạng đe dọa", Kokichiro Mio, nhà nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu NLI, nhận định

"Mỹ sẽ gặp rắc rối trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng chắc chắn Trung Quốc không muốn đổ dầu vào lửa", Mio nói thêm.

Đồng quan điểm với bà Mio, ông Li Mingjiang, điều phối viên chương trình về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) tại Singapore, cho rằng việc chặn bán đất hiếm cho Mỹ sẽ đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ, điều mà Trung Quốc không dám làm.

"Khác biệt nằm ở chỗ Mỹ đang nhắm mục tiêu vào các công ty cụ thể của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc nhắm vào cả nước Mỹ, có thể bị Mỹ và thế giới coi là sự leo thang đáng kể của cuộc chiến thương mại", ông Li nói.

 

Ông Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc tự phát minh công nghệ, đẩy đất hiếm thành 'nguồn tài nguyên chiến lược'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải tự lực và đổi mới để đối phó với nhiều thách thức khác nhau từ Mỹ trong dài hạn.

 

Mỹ kêu gọi Hàn Quốc cấm các thiết bị của Huawei

Chính phủ Mỹ đang vận động Hàn Quốc không sử dụng các thiết bị của Huawei trong bối cảnh Washington thúc giục các đồng minh từ chối hàng hóa của công ty này, tờ báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin hôm 23/5.

 

Trung Quốc nói Mỹ cấm cửa Huawei là 'bắt nạt kinh tế'

Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng những hành động Mỹ nhắm vào Huawei là hành vi "bắt nạt kinh tế", qua đó ngăn cản sự phát triển của nước này.