Vì sao giá khí đốt châu Âu giảm xuống mức kỷ lục?

Chủ nhật, 19/02/2023, 06:58 AM

Vào hôm 17/2, tại thị trường châu Âu, giá khí đốt đã giảm xuống chỉ còn dưới 50 euro/MWh, thấp hơn gần bảy lần so với mức giá đỉnh điểm được ghi nhận trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến Nga - Ukraine.

aayzrb1jfif20230218100130

Như vậy, những lo ngại về việc thiếu hụt năng lượng vào cao điểm của mùa đông, do thiếu vắng sự hiện diện của Nga - nhà cung cấp lớn cho châu Âu, đã lắng xuống.

Ông Edoardo Campanella - nhà phân tích tại ngân hàng UniCredit (Ý), nhận xét: “Từ tháng 11, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm 50%, nhờ có nhiệt độ ấm bất thường, giúp hạn chế nhu cầu sử dụng hệ thống sưởi. Chưa kể, do áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt, nhu cầu khí tự nhiên lỏng (LNG) của Trung Quốc đã bị hạn chế”.

Theo đó, tính đến ngày 17/2, giá khí đốt theo hợp đồng tương lai của sàn giao dịch TTF của Hà Lan – thị trường đưa chuẩn giá khí đốt cho toàn châu Âu, đã giảm xuống còn 48,775 euro/MWh trong phiên - mức giá thấp nhất từng ghi nhận được từ tháng 8 năm 2021.

Dù vậy, giá khí đốt vẫn cao hơn so với giai đoạn trước đây. Vào trước năm 2021, khi căng thẳng xung quanh việc mua khí đốt từ Nga chưa xuất hiện, khí đốt hiếm khi vượt quá 35 euro.

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) đã hạ đáng kể mức dự báo tăng trưởng cho các quốc gia mà họ phụ trách. Đối với năm 2023, họ hạ dự báo từ 3% xuống còn 2,1%, với lý do giá khí đốt vẫn còn “cao gấp 6 lần so với bên kia Đại Tây Dương”.

Ông Salomon Fiedler - nhà phân tích tại ngân hàng Berenberg (Đức), cho biết: “Nếu không mạnh tay cắt giảm khí đốt từ Nga, kinh tế châu Âu đã có thể tăng trưởng trên mức trung bình, thay vì lâm vào tình trạng trì trệ kinh tế”.

Và việc giảm giá khí đốt chỉ đem lại một chút lợi ích ngắn hạn cho các quốc gia đang đối mặt với tình trạng bùng nổ lạm phát.

Do đó, ông Edoardo Campanella cảnh báo: “Tuy châu Âu có trữ lượng cao, nhưng nếu nhiệt độ mùa đông năm 2023-2024 quay trở lại mức thường thấy, thì việc giảm nhu cầu tiêu thụ sẽ trở nên khó khăn hơn, khiến châu Âu phải cạnh tranh gay gắt hơn với Trung Quốc để mua LNG”.

Theo một báo cáo do gã khổng lồ Shell công bố hôm 16/2, trong năm 2022, châu Âu đã nâng hạn ngạch nhập khẩu LNG lên tới 60%, nhằm bù đắp cho nguồn khí đốt bị mất từ Nga. Shell dự đoán, trong những năm tới, thị trường vẫn sẽ bị “thắt chặt”, do sự cạnh tranh giữa những người mua và tình trạng thiếu nguồn cung gia tăng.

Về mặt dầu thô, tính đến 20 giờ 55 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent châu Âu giao tháng 3 đã giảm xuống còn 82,67 USD/thùng (-2,97%). Còn dầu WTI của Mỹ thì giảm xuống còn 76,03 USD/thùng (-3,13%).

Như vậy, chỉ trong tuần, giá dầu đã giảm đi 3%. Dù vậy, giá dầu ít biến động hơn so với giá khí đốt.

Ông Han Tan - nhà phân tích tại Exinity, cho biết: “Thị trường dầu mỏ đang trở nên lo lắng hơn, trước nguy cơ FED tăng lãi suất và phá hủy nhu cầu trong những tháng tới. Chưa kể, Mỹ hiện có tồn kho dầu thương mại dồi dào, gây đè nặng lên nhu cầu tuần này của thị trường”.

Đối mặt với tình trạng lạm phát dai dẳng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất kéo dài hơn dự kiến.

Nhưng hành động này cũng đè nặng lên khả năng vay mượn của các công ty và hộ gia đình, gây hạn chế tiêu dùng và từ đó, gây hạn chế nhu cầu về vàng đen.