Vì sao Ngân hàng Nhà nước 'siết' cho vay mua nhà trên 3 tỷ?

Thứ năm, 13/06/2019, 19:53 PM

Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dòng tín dụng bất động sản, cho vay mua nhà vào phân khúc 1-3 tỷ đồng/căn, 'siết' cho vay mua nhà trên 3 tỷ đồng.

vi-sao-ngan-hang-nha-nuoc-siet-cho-vay-mua-nha-tren-3-ty
Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dòng tín dụng bất động sản, cho vay mua nhà vào phân khúc 1-3 tỷ đồng/căn,  'siết' cho vay mua nhà trên 3 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tại họp báo công bố thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019, tổ chức ngày 13/6, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng vào bất động sản tiềm ẩn rủi ro nên các tổ chức tài chính phải xem xét kỹ trước khi cho vay. 

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đã có những chia sẻ thẳng thắn về quan điểm của ngành ngân hàng đối với vấn đề "siết" cho vay bất động sản thông qua các quy định mới trong dự thảo Thông tư 36 (sửa đổi).

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, lĩnh vực kinh doanh bất động sản là một trong những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn nhưng không có nghĩa là ngân hàng hạn chế cho vay. Để hạn chế rủi ro, các ngân hàng buộc phải tập trung xem xét chọn những dự án đầu tư có hiệu quả, chủ đầu tư đủ năng lực.

Theo thông tin từ ông Hùng, năm 2018, tổng tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản là 31,7%. Trong đó, dư nợ cho vay trực tiếp kinh doanh bất động sản (dư nợ đối với chủ đầu tư) có phần chững lại, nhưng lại đẩy mạnh dư nợ cho vay tiêu dùng phục vụ mua, sửa nhà ở (dư nợ đối với khách mua nhà).

Theo đại diện NHNN, quy định nhằm hướng dòng tín dụng vào hình thức cho người dân vay tiêu dùng của lĩnh vực bất động sản. Điều kiện tín dụng vào phân khúc 1-3 tỷ đồng/căn hộ nhằm tạo điều kiện để chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Đây là loại sản phẩm trên thị trường đang thiếu và góp phần thúc đẩy chủ đầu tư cung cấp mặt hàng này. Ngoài ra còn tạo điều kiện để người dân có thể vay tiền ngân hàng mua căn hộ phục vụ cuộc sống.

Nói rõ hơn việc nâng hệ số rủi ro gấp 3 lần đối với các khoản vay tiêu dùng từ 3 tỷ đồng trở lên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết hiện thị trường bất động sản đang mất cân đối.

"Các chủ đầu tư toàn xây dựng nhà thương mại, nhà cao cấp, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, thiếu nguồn cung đối với nhà thương mại giá rẻ hoặc nhà ở xã hội. Rất thiếu", ông Hùng nhìn nhận.

Vụ trưởng Nguyễn Quốc Hùng cho hay phải định hướng làm sao để tạo điều kiện người dân có thể tiếp cận được nhà thương mại giá rẻ. "Chủ đầu tư cũng phải hướng tới hướng đấy để tạo ra sản phẩm khi thị trường đang rất thiếu", ông Hùng nói.

Về ý kiến cho rằng thị trường bất động sản trầm lắng là do thiếu vốn ngân hàng, ông Hùng nhấn mạnh các tổ chức tín dụng không thiếu vốn. Tuy nhiên rủi ro trong cho vay bất động sản không phải bằng 0, các ngân hàng sẽ cho vay tất cả các dự án hoàn thiện đầy đủ về thủ tục pháp lý và có khả năng về mặt tài chính.

NHNN cũng cho biết, tình trạng các địa phương ven biển có dự án bất động sản nhưng không thể vay vốn ngân hàng do vướng mắc ở hồ sơ quy hoạch đất đai. Do chưa có hồ sơ quy hoạch đất đai cụ thể nên ngân hàng không thể cho vay. Với các dự án đáp ứng đủ điều kiện, ngân hàng sẽ giải ngân nhanh chóng.

Trước đó, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phản ánh, theo Thông tư 36, từ tháng 1/2019, nguồn vốn tín dụng vào BĐS giảm với quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn từ 60% xuống còn 40%. Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 36 theo hướng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn xuống 30%, đồng thời nâng hệ số rủi ro mà các nhà băng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng gấp 3 lần lên 150%.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM thì cho rằng, việc lập quỹ tín thác đầu tư bất động sản cũng là một công cụ cho thị trường vốn. Quỹ này sẽ huy động tiền nhàn rỗi từ các nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức cùng quan tâm đầu tư vào bất động sản tạo thu nhập.

Cụ thể Quỹ Tín thác đầu tư bất động sản sử dụng tiền này để mua những tài sản bất động sản có chất lượng, thiết lập danh mục đầu tư bất động sản có quy mô và quản lý danh mục đầu tư này nhằm mục đích đầu tư dài hạn.

Sau đó, quỹ này sẽ cho các chủ sở hữu và nhà phát triển bất động sản vay một khoản tín dụng nhất định. Tổng tiền thu được từ việc đầu tư này sẽ tạo ra một nguồn thu nhập dài hạn ổn định. Nguồn thu nhập này sẽ được phân bố trở lại cho các nhà đầu tư quỹ tín thác đầu tư bất động sản.

“Như vậy người góp vốn dù có tiền nhiều hay ít đều có thể gửi vào để đầu tư mà không sợ rủi ro. Nhưng quỹ này phải có cơ chế quản lý chuyên nghiệp, có người giám sát, kiểm toán. Các nhà đầu tư phát triển bất động sản có thể nhận vốn từ quỹ này qua các hình thức góp vốn hoặc cho vay” - ông Châu cho biết.

Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, một trong những cách có thể huy động được nguồn vốn lúc này là cho thế chấp dự án tại các ngân hàng nước ngoài. Đây cũng là nguồn vốn lớn và dồi dào nhưng về chính sách chưa được tháo gỡ.

Có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài như: Hồng Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Malaysia đăng ký đầu tư vào Việt Nam, trong đó đầu tư vào bất động sản chiếm 20% tổng vốn FDI. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên việc đầu tư vẫn chưa thực sự dễ dàng.

 

Huawei đòi nhà mạng Mỹ một tỷ USD tiền bản quyền

Công ty Trung Quốc yêu cầu Verizon của Mỹ trả hơn một tỷ USD (khoảng 23.300 tỷ đồng) cho hơn 230 bằng sáng chế.

 

Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020

Sáng nay, 13/6, với 439/450 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 90,70% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.

 

Dự án nhà công vụ thuộc Công an Thành phố Hà Nội: Vì sao ‘bỏ hoang’ gần thập kỷ?

Công trình Nhà công vụ thuộc Công an Thành phố Hà Nội nằm tại số 1-1A Yên Phụ (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) bị “bỏ hoang” gần 10 năm nay là sự lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước.