Vì sao người dân chưa mặn mà với thịt lợn đông lạnh nhập khẩu?

Thứ bảy, 11/01/2020, 13:21 PM

Giá thịt heo trong nước đắt đỏ, trong khi thịt lợn đông lạnh nhập khẩu giá chỉ bằng 1/5, tuy nhiên thực tế người dân không thích mua thịt lợn nhập giá rẻ.

vi-sao-nguoi-dan-chua-man-ma-voi-thit-lon-dong-lanh-nhap-khau-bb-baaad7KZjt

Vì sao người dân chưa mặn mà với thịt lợn đông lạnh nhập khẩu? Ảnh minh họa/

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam khoảng 25.950 - 26.000 đồng/kg, trong đó, giá bán ra thị trường từ 33.000 - 35.000 đồng/kg.

Thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đều đang chịu thuế MFN với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Úc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico... mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3 - 21%.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 1.641 doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo vào Việt Nam. Khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thịt heo từ các nước, các doanh nghiệp được cơ quan quản lý Việt Nam cấp phép.

Khảo sát của Bộ Công Thương, trong những ngày đầu năm 2020, giá lợn hơi đang có xu hướng tiếp tục giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg tại các tỉnh phía Bắc (giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm xuống 94.000 đồng/kg, Hà Nam xuống 92.000 - 93.000 đồng, Hà Nội… giá phổ biến là 93.000 đồng/kg).

Các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng đồng loạt giảm giá bán nhằm bình ổn mặt hàng thịt lợn. Cụ thể, Big C đã cam kết bán giá vốn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết, Sài Gòn Co.Op sẽ bán mặt hàng thịt ba chỉ với giá thấp hơn thị trường 20%, sườn non thấp hơn 8%, xương đùi thấp hơn 25%, xương ống thấp hơn 35%.

Giá "mềm" nên thịt lợn cấp đông đang được kỳ vọng thay đổi xu hướng tiêu dùng theo chuẩn sạch, an toàn. Tuy nhiên, để thịt đông lạnh sánh được thịt heo tươi là một câu chuyện dài hơi.

Theo bà Trần Thị Phương Lan (Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội), nguyên nhân chủ yếu do người dân có thói quen dùng thịt nóng, vừa giết mổ chứ không thích thịt đông lạnh. Bên cạnh đó, thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là những sản phẩm mà các nước ít dùng như thịt vai, xương, chân giò, trong khi đó, Việt Nam đang cần thịt nạc thăn, ba chỉ...

Bà Phạm Thị Mến (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại ghé chợ gần nhà, đến quầy thịt lợn lựa chọn vài miếng thịt cho bữa ăn gia đình. Bà Mến cho biết, dù thịt lợn tươi đắt đỏ, nhưng bà vẫn lựa chọn thịt tươi sống, được giết mổ trong ngày.

Lý giải cho lựa chọn của mình, bà Mến cho biết: “Tiêu chí mua hàng của tôi đó là thực phẩm phải có giá trị dinh dưỡng cao, cho nên tôi luôn ưu tiên các mặt hàng tươi sống. Chính vì thế, dù thịt lợn tươi có đắt, tôi vẫn lựa chọn".

Tuy nhiên ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, một ông vua nuôi heo, lắc đầu trước thói quen này. Theo ông Bình, nhiều người cứ lầm tưởng thịt nóng mới giết mổ là an toàn và tươi ngon. Nhưng thực tế không phải như vậy. Vì heo thường giết mổ vào giữa đêm, sau đó vận chuyển ra chợ đầu mối, tiếp đó thịt đã pha lóc đưa về các chợ nhỏ và lên kệ sạp. Khoảng thời gian đó, miếng thịt đã bắt đầu nhiễm vi sinh. Chưa kể, nhiều người đến mua ấn tay vào miếng thịt kiểm tra còn mang lại nhiều vi khuẩn.

“Điều tôi ngạc nhiên nhất là nhiều bà nội trợ thường chê thịt đông lạnh. Trong khi chính họ mua miếng thịt tươi về, rồi bỏ vào tủ lạnh cấp đông cũng không khác gì thịt đông lạnh nhưng so về vệ sinh an toàn thực phẩm, vị ngon không thể bằng loại thịt đông lạnh sản xuất trong các nhà máy hiện đại, đạt chuẩn quốc tế” - ông Bình nói.