Vì sao OPEC+ và Nga đồng loạt cắt giảm sản lượng dầu mỏ?

Thứ tư, 05/04/2023, 07:35 AM

Điện Kremlin biện minh cho việc Nga và hàng loạt nước OPEC+ tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu là “vì lợi ích” của thị trường thế giới.

s0-petrole-accord-trouve-pour-reduire-la-production-les-prix-devraient-remonter-a-la-pompe-18247920230403232321

“Việc giữ giá dầu thế giới ở mức phù hợp là vì lợi ích của năng lượng toàn cầu”, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, nói với các phóng viên.

“Những nước khác có vừa lòng hay không là chuyện của họ”, ông cho biết thêm.

Hôm Chủ nhật (2/3), Nga đã công bố việc gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô thêm 500.000 thùng mỗi ngày cho đến cuối năm nay, vốn được nhiều chuyên gia coi là một cách để tăng giá và chống lại tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế.

Phó Thủ tướng phụ trách Năng lượng, ông Alexandre Novak, đã biện minh cho biện pháp này là do thời kỳ “biến động mạnh” và “bất ổn” trên thị trường vàng đen.

“Khả năng dự báo thị trường dầu mỏ toàn cầu là một yếu tố then chốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng”, ông nói trong một thông cáo báo chí.

Thông báo cắt giảm sản lượng dầu của Nga được đưa ra cùng với loạt thông báo của Ả Rập Xê-út, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman, Kuwait, Algeria và Kazakhstan.

Cụ thể, Ả Rập Xê-út sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày, Iraq 211.000 thùng/ngày, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 144.000 thùng/ngày, Kuwait 128.000 thùng/ngày, Kazakhstan 78.000 thùng/ngày, Algeria 48.000 thùng/ngày và Oman 40.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 cho đến hết năm 2023.

Đợt cắt giảm lần này đã khiến giá dầu vào sáng thứ Hai (3/4) tăng vọt. Cụ thể, giá dầu Brent giao từ Biển Bắc đạt gần 84 USD/thùng, còn dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) chạm mức 80 USD/thùng vào lúc 10h30 sáng (GMT).

Đây là tin tốt đối với nền tài chính của Nga, nước có chi tiêu liên bang tăng mạnh trong những tháng gần đây do cuộc tấn công quân sự ở Ukraine, và doanh thu từ dầu mỏ của Moscow đã giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).