Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ đánh giá về Hải quân Việt Nam

Thứ sáu, 15/11/2019, 13:05 PM

Hôm 6/11, Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ có bài viết cho rằng Hải quân Việt Nam kiên trì và bền bỉ tăng cường sức mạnh để đối mặt với những thách thức ở Biển Đông.

Hải quân Việt Nam kiên trì và bền bỉ tăng cường sức mạnh để đối mặt với những thách thức ở Biển Đông.
Hải quân Việt Nam kiên trì và bền bỉ tăng cường sức mạnh để đối mặt với những thách thức ở Biển Đông.

Dưới đây là lược dịch bài viết của Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ có tiêu đề “Resist and reward: Vietnam’s Naval expansion” (Tạm dịch: Kháng cự và phần thưởng: Sự phát triển của Hải quân Việt Nam):

Cho đến đầu những năm 2000, hải quân Việt Nam vẫn chủ yếu bao gồm những tàu chiến cũ. Tuy nhiên, đó là lực lượng không phải không có một số khả năng chiến đấu của hải quân hiện đại. Được trang bị tên lửa chống hạm SS-N-2, 8 tàu ​​tấn công nhanh lớp Osa II và 4 tàu hộ tống lớp Tarantul sẽ tạo thành mối đe dọa đáng gờm đối với bất cứ lực lượng đổ bộ nào định tấn công Hải Phòng, cửa ngõ ven biển lịch sử để vào Hà Nội.

Sau Chiến tranh Lạnh, hải quân Việt Nam đã tìm cách tích lũy kinh nghiệm với tàu ngầm với hai tàu ngầm hạng trung Yugo từ Triều Tiên được tiếp nhận vào năm 1997. Hải quân cũng đã bổ sung một số tàu chiến ven biển, nhưng tốc độ rất chậm. Một tàu hộ tống nhỏ, chỉ 525 tấn, mất 5 năm để  hoàn thành, là tàu duy nhất được trang bị tên lửa hành trình chống hạm tiên tiến hơn vào thời điểm đó. Khi đó, Hải quân Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé và quá thiên về chiến đấu ven biển để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong khi đó, để khẳng định các yêu sách phi lý ở Biển Đông, Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh hải quân trong những năm 2000. Không lâu sau đó, Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh việc phát triển lực lượng hải quân lớn. Việt Nam đã đặt 4 tàu khu trục lớp Gepard và 8 tàu ​​hộ tống lớp V Tarantul từ Nga, tất cả đều được trang bị nhiều tên lửa hành trình chống hạm SS-N-25 siêu thanh. Năm 2009, Việt Nam cũng đã mua 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga, với chi phí 2 tỷ USD, tương đương với một nửa toàn bộ ngân sách quốc phòng năm đó. Quy mô của Hải quân Việt Nam được mở rộng rất ấn tượng. Tất cả các tàu ngầm, 4 trong số 9 tàu khu trục và 8 trong số 13 tàu hộ tống của hải quân Việt Nam, đã được đưa vào hoạt động chỉ trong hơn 10 năm.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn chú trọng đến các tuyến phòng thủ ven biển. Năm 2011, Việt Nam đã đặt hai hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P của Nga. Mỗi hệ thống hỗ trợ một bệ phóng di động tên lửa hành trình chống hạm P-800 trên đất liền. Hiện các bệ phóng này đang được triển khai dọc theo bờ biển của Việt Nam, mở rộng không gian hàng hải mà Việt Nam có thể bảo vệ từ 130 đến 250 km so với bờ biển.

Nếu khai hỏa cùng lúc, một loạt 8 tên lửa từ một bệ phóng có thể xuyên thủng cả hệ thống phòng thủ chống tên lửa tốt nhất trên tàu Trung Quốc. Đồng thời, tính cơ động của bệ phóng sẽ cản trở khả năng của Trung Quốc khi tấn công bằng tên lửa không đối không hoặc đạn đạo

Chiến lược Hải quân Việt Nam

Một chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang canh giữ biển.
Một chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang canh giữ biển.

Việc mua lại các tàu chiến ven biển được trang bị tên lửa mới và bệ phóng tên lửa chống hạm trên đất liền là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa có thể xảy ra ở Biển Đông. Mặc dù các lực lượng phòng thủ bờ biển này chủ yếu nhằm bảo vệ bờ biển Việt Nam chứ không phải các hòn đảo xa xôi, nhưng chúng đóng vai trò như một hàng rào hữu ích chống lại bất kỳ hành động leo thang hay thách thức nào trên biển. Thật vậy, Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng cường hơn nữa các lực lượng đó trong những năm tới.

Trong khi đó, việc mua tàu ​​ngầm cũng cung cấp manh mối mạnh mẽ về mục tiêu hàng hải của Việt Nam. Tàu ngầm rất quan trọng đối với bất kỳ chiến lược hiện đại nào nhằm kiểm soát và khắc chế trên biển. Cho đến nay, với 6 tàu ngầm, Việt Nam có khả năng theo đuổi mục tiêu thứ hai. Đó là ngăn cản đối thủ có thể ngang nhiên hoạt động ở Biển Đông.

Ngoài ra, dù chỉ có số ít tàu ngầm đó, Hải quân Việt Nam vẫn có thể dùng hai chiếc đi tuần tra bất cứ lúc nào. Và, nếu căng thẳng tăng lên, phần còn lại sẽ được triển khai. Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam có khả năng sẽ làm phức tạp các hoạt động của hải quân đối phương và buộc hải quân đối phương phải dành tài nguyên chống tàu ngầm.

Tuy nhiên, mục tiêu đằng sau tất cả những nỗ lực của Việt Nam là nhằm tăng cường vị thể của hải quân, bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam bằng cách dùng đường 9 đoạn hay đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra. Gần đây nhất, Trung Quốc đã triển khai nhóm tàu thăm dò năng lượng, Hải dương Địa chất 8, để thực hiện các cuộc điều tra địa chất tại một trong những khối năng lượng ngoài khơi của Việt Nam, chỉ cách bờ biển Việt Nam 100 km vào tháng Bảy và một lần nữa vào tháng Tám.

Việt Nam đã dùng các biện pháp ngoại giao khôn ngoan và kiên quyết để kịch liệt phản đối hành động này.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/vien-nghien-cuu-chinh-sach-doi-ngoai-my-danh-gia-ve-hai-quan-viet-nam-141851.html