Việt Nam không hạ chỉ tiêu tăng trưởng vì dịch viêm phổi

Thứ năm, 06/02/2020, 06:19 AM

Tác động của dịch nCoV đã được tiên lượng và có các kịch bản dự báo, với sự chủ động trong chỉ đạo, ứng phó Chính phủ sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế.

Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020.

Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, kịch bản tăng trưởng kinh tế, từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&ĐT, trong đó nòng cốt là Tổng cục Thống kê, phải xây dựng một kịch bản tăng trưởng kinh tế để phục vụ cho công tác điều hành, can thiệp chính sách…

Kịch bản tăng trưởng GDP là kịch bản dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế theo quý, 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm… Trong trường hợp các điều kiện tốt hơn thì tốc độ tăng trưởng cao hơn. Trong điều kiện có những tác động tiêu cực thì tốc độ tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn. Tuỳ theo các cấp độ cập nhật sẽ tham mưu, kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp thích hợp theo từng điều kiện để cố gắng phấn đấu thực hiện được kịch bản đã đề ra.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã chuẩn bị và phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp thông tin, số liệu để xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dịch cúm viêm đường hô hấp cấp tới tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở dữ liệu của tháng 1 để có những tính toán dự kiến mức độ tác động của dịch đối với tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu tổng hợp được, tính toán của Bộ KH&ĐT cho thấy mức độ ảnh hưởng là rất nghiêm trọng. Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và chúng ta kiểm soát trong quý II, nguy cơ chúng ta bị giảm tăng trưởng chỉ còn 6,09%. Tất nhiên đây chỉ là con số chúng tôi ước tính, dự báo, còn thực tế tuỳ thuộc vào dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. Đây cũng là phương án để theo dõi.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương.

Trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý ngày 30 và 31/1/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh, mất gần 45 điểm, tương đương 4,54 %. Đây là mức giảm điểm khá sâu do yếu tố ảnh hưởng sau kỳ nghỉ Tết dài thì giao dịch tương tự như các nước khác trong khu vực và cũng có thể phần nào có ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh trong những ngày đầu tiên. Mức giảm của TTCK Việt Nam tương đương với nhiều nước và thấp hơn một số nước sớm phát hiện những ca nhiễm bệnh. Tính chung trong hai tuần cuối tháng 1 khi dịch lan rộng, mức giảm điểm của các TTCK châu Á khá mạnh, như Hong Kong giảm 9,4 %, Hàn Quốc giảm 5,8 %, Thái Lan 5,4 %.

Bắt đầu từ tháng 2, TTCK Việt Nam đã thu hẹp đà giảm. Tính chung 2 phiên đầu tháng 2, chỉ số VNIndex chỉ giảm có 0,8%, đứng ở mức 929 điểm. Riêng ngày 4/2 là ngày hôm qua, sắc xanh đã quay trở lại khi thị trường quay đầu trong phiên giao dịch buổi chiều và tăng 0,95 điểm so với ngày hôm trước.

Trước tình hình chứng khoán giảm điểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCK Nhà nước tích cực tuyên truyền để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Lãnh đạo UBCK Nhà nước cũng đã phát biểu trên truyền  hinh và các cơ quan thông tấn báo chí, đồng thời UBCK đã yêu cầu yêu Sở Giao dịch Chứng khoán, các công ty chứng khoán báo cáo hằng ngày về giao dịch, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường, chống hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để làm giá chứng khoán. Với các giải pháp nêu trên thì thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài ba ngày qua cũng đã phục hồi trở lại và có xu hướng tăng điểm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.

Đối với những giải pháp trong ngắn hạn, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, chủ động theo dõi diễn biến của thị trường quốc tế, diễn biến của TTCK trong nước hằng ngày, yêu cầu hai Sở Giao dịch Chứng khoán cũng như Trung tâm Thông tin chứng khoán tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hằng  ngày và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trục lợi và tung tin đồn. Yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện báo cáo hằng ngày, đặc biệt là tình hình giao dịch quỹ, ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch.

Về giải pháp trung và dài hạn thì Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào đầu năm 2021. Năm nay tập trung xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn để Luật Chứng khoán có hiệu lực, bao quát đầy đủ và khắc phục những nhược điểm đã tổng kết, đánh giá và đã được thông qua tại Luật Chứng khoán năm 2019.

Thứ hai là tập trung đẩy mạnh, cơ cấu lại TTCK để phát triển hiệu quả hơn, năng động hơn theo đề án xơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát các vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư và giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững.

Bài liên quan