Việt Nam không phá giá tiền đồng vì mục tiêu xuất khẩu

Thứ bảy, 05/10/2019, 06:48 AM

Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra thông điệp về không phá giá đồng tiền, theo Ngân hàng Nhà nước chính sách của Việt Nam là thận trọng và không lấy tỷ giá làm công cụ để thúc đẩy xuất khẩu.

viet-nam-khong-pha-gia-tien-dong-lo-ngai-xuat-khau-bi-anh-huong
Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra thông điệp về không phá giá đồng tiền, theo Ngân hàng Nhà nước chính sách của Việt Nam là thận trọng và không lấy tỷ giá làm công cụ để thúc đẩy xuất khẩu.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, các chính sách tiền tệ của Việt Nam được đánh giá là chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định, tỷ giá tương đối ổn định, thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Ngân hàng Nhà nước mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Điểm nổi bật trong chính sách tiền tệ 9 tháng đầu năm là quyết định điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành 25 điểm phần trăm. Cụ thể, từ 16/9, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25% xuống 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm và lãi suất cho vay qua đêm từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay việc giảm lãi suất trong thời điểm này mang đến thông điệp sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Theo ông Tú, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đánh giá chính sách tỷ giá hiện nay là hợp lý.

Ông Đào Minh Tú nhận xét, việc phá giá hay tăng giá ở Việt Nam còn phải tính đến vấn đề chung trong tổng thể nền kinh tế, cân đối giữa xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, tài khoản vãng lai... để điều hành hợp lý tạo sự ổn định và lợi ích cao nhất cho quốc gia, đảm bảo yếu tố ổn định tâm lý cho thị trường.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, xuất khẩu gần đây chậm lại đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó chịu tác động chủ yếu bởi diễn biến thị trường thế giới khi xuất khẩu nhiều nền kinh tế lớn cũng giảm tốc. Và không thể chỉ nghĩ đến việc phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu mà không tính đến tác động lên nhập khẩu bởi nhập khẩu của Việt Nam hiện nay cũng khá lớn.

Trước đó, Trung Quốc phá giá NDT đưa cuộc chiến tranh thương mại giữ Mỹ và Trung Quốc đi vào xu hướng mới, bắt đầu mầm mống cuộc chiến tranh tiền tệ, hạ giá để tạo lợi thế cho xuất khẩu. 

Động thái này của các nước được cho tác động đến Việt Nam, theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, trong cuộc chiến tranh tiền tệ, dự báo nhiều nước sẽ có động thái hạ giá trị đồng tiền của nước mình. Việc đó tác động đến kinh tế toàn cầu, không chỉ Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh thương mại mà sẽ kéo theo sự ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác.

Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, họ nhập nguyên vật liệu từ nhiều nước và cũng xuất khẩu sản phẩm sang nhiều quốc gia khác. Thành ra khi hai nền kinh tế này bị suy giảm sẽ làm cho việc xuất khẩu, nhập khẩu của các nước khác đến hai quốc gia này bị ảnh hưởng.  Từ đó ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh chiến tranh tiền tệ diễn ra, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Mặt khác, tỷ giá tiền Đồng so với USD trong nửa năm đầu 2019 tương đối ổn định, khi đồng NDT phá giá như hiện nay có lẽ trong thời gian tới tiền Đồng (VND) cũng sẽ phá giá. Nếu mình không phá giá, có nghĩa VND lên giá so với giá trị của VND sẽ tăng so với đồng NDT như thế sẽ làm hàng hóa Trung Quốc rẻ đi và ào ạt tấn công vào thị trường Việt Nam. Đó là bối cảnh không thuận lợi với kinh tế Việt Nam.

Đồng thời xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chậm lại”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ tác động.

Theo Tiến sĩ Hiếu, trong bối cảnh sản phẩm Trung Quốc sản xuất bán sang Mỹ khó khăn khi thuế nhập khẩu tăng họ sẽ tìm cách xuất sang thị trường Việt Nam và các nước khác. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

“Giải pháp lúc này Việt Nam phải tìm thị trường mới ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc. Cùng với đó hàng hóa Việt Nam phải được tăng về chất lượng, mẫu mã và phải tạo thương hiệu mới có thể cạnh tranh được với các nước”, Tiến sĩ Hiếu nói.