Việt Nam lên tiếng về tin Trung Quốc sắp đưa thủy phi cơ cỡ lớn ra Biển Đông

Thứ năm, 09/04/2020, 18:34 PM

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng về thông tin Trung Quốc sắp đưa thủy phi cơ cỡ lớn ra Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Khi được báo giới đề nghị bình luận về việc những ngày qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này sắp đưa thủy phi cơ cỡ lớn AG600 ra Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh nguyên tắc, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực.

AG600 là thủy phi cơ lớn nhất thế giới do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) thiết kế và sản xuất, sau gần 8 năm nghiên cứu. AG600 có chiều dài thân máy là 39,3 m, sải cánh là 38,8 m, đường bay tối đa là 4.500 km.

Bà Hằng nói: “Chúng tôi mong muốn các nước tăng cường hợp tác, đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định vì mục tiêu nói chung”.

Cũng tại buổi họp báo này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về công hàm phản đối Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc gần đây. Bà Thu Hằng cho rằng nó đã thể hiện đầy đủ lập trường nhất quán của Việt Nam đối với lợi ích hợp pháp và chính đáng của Việt Nam tại Biển Đông.

Bà khẳng định lại lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, như đã được thể hiện trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

"Việc lưu hành công hàm tại Liên Hiệp Quốc là bình thường, thể hiện lại lập trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Lập trường nhất quán của Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ tại công hàm này", bà Hằng nói.

Trong công hàm trình Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres ngày 30/3, phái đoàn thường trực của Việt Nam bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việt Nam tái khẳng định lập trường rằng cơ sở pháp lý duy nhất cho việc xác định các vùng biển pháp lý trên biển là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, chứ không phải cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc.

Trước đó vào tháng 12/2019, Malaysia đã gửi đơn yêu cầu Ủy ban ranh giới thềm lục địa (viết tắt là CLCS) xem xét về thềm lục địa mở rộng của nước này ở Biển Đông.

Philippines cũng gửi hai công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nối tiếp hai diễn biến này, Trung Quốc gửi hai công hàm phản bác Malaysia và Philippines, tái khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh. Việc Việt Nam gửi công hàm phản đối vừa qua chính xác là phản bác những yêu sách mà Trung Quốc đề cập trong nội dung công hàm phản đối Malaysia và Philippines nêu trên.

Bài liên quan