Vietnam Airlines xin Chính phủ hỗ trợ 12.000 tỷ đồng: Vietjet Air, Bamboo Airways xin ai?

Thứ ba, 14/07/2020, 15:26 PM

Phía sau câu chuyện Vietnam Airlines xin Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng, đứng ở góc độ doanh nghiệp mới thấy Vietjet Air, Bamboo Airways những hãng hàng không tư nhân thiệt thòi ra sao.

Vietnam Airlines xin Chính phủ hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, Vietjet Air, Bamboo Airways xin ai?

Vietnam Airlines xin Chính phủ hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, Vietjet Air, Bamboo Airways xin ai?

"Khó đã có Chính phủ"

Tại buổi toạ đàm với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng hôm nay (13/7), CEO Vietnam Airlines Dương Trí Thành ước tính hãng lỗ ròng 13.000 tỷ đồng, dù thị trường nội địa đã dần phục hồi.

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines từ tháng 4, Vietnam Airlines không còn chuyến bay chở khách thương mại quốc tế. Tính cả tháng, trung bình mỗi ngày hãng chỉ bay 4 chuyến. "Từ năm 1975 đến nay, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam ít chuyến bay đến thế", ông Thành nói.

Đến tháng 6, thị trường khách nội địa của Vietnam Airlines đã tăng bằng 84% năm ngoái nhưng doanh thu chưa phục hồi được. Ông Thành lý giải bởi trong 3 tháng qua, Vietnam Airlines liên tục mở 18 đường bay nội địa mới phần lớn là các chặng ngắn, bán với giá rất rẻ. Trong khi thực tế, mười mấy đường bay nội địa mới bằng một đường bay quốc tế.

"Chúng tôi đề nghị Chính phủ - với vai trò là chủ sở hữu hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng, nếu không đến cuối tháng 8 sẽ rất khó khăn", CEO Vietnam Airlines nói.

Ông Thành nói, sở dĩ phải xin chủ sở hữu là Chính phủ hỗ trợ bởi cũng đã trao đổi với All Nippon Airways (ANA) – cổ đông nắm giữ 8,6% vốn của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, cũng chung như các hãng hàng không toàn cầu, ANA thậm chí còn khó khăn hơn khi đang phải tìm cách vay 10 tỷ USD. Vì vậy, ANA không còn nguồn tiền cho Vietnam Airlines vay.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, là hãng hàng không quốc gia, ngoài nhiệm vụ chung, Vietnam Airlines còn phải phục vụ an ninh quốc phòng, vai trò Nhà nước giao phó, bay giải cứu, hồi hương ngày càng nhiều...

Cơ sở Vietnam Airlines xin hỗ trợ ngoài lý do nêu trên nhìn bình diện khách quan hãng hàng không này vẫn là doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước ghi nhận chiếm hơn 85%. Nếu Vietnam Airlines thua lỗ kéo dài phần thiệt hại chính là ngân sách.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường nơi doanh nghiệp quốc doanh hay tư nhân đều bình đẳng. Trong khi, dịch Covid-19 tác động chung đến ngành hàng không nhưng Vietnam Airlines có Chính phủ để kêu khó để được hỗ trợ, trong khi doanh nghiệp hàng không tư nhân phải "tự bơi" vượt qua khó khăn.

Thay đổi quản trị, tinh gọn bộ máy

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tất cả các quốc gia, nền kinh tế thế giới. Đến nay, theo ước đoán của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thiệt hại hàng không toàn cầu đã lên tới 200 tỷ USD.

Các hãng hàng không Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi hiện có 250 chiếc tàu bay, trong dịch COVID-19 chỉ khai thác 1 - 2% đội bay. Hiện nay, hàng không Việt Nam chỉ khôi phục được một phần và còn khoảng 70 - 80% đội tàu bay vẫn đang nằm đất.

VietJet có 75 máy bay A320, A321, ước tính khoản tiền mà hãng phải trả có thể lên tới trên dưới 20 triệu USD/tháng. Với Bamboo Airways, sau hơn 1 năm có mặt trên thị trường, hãng có 3 chiếc B787, 7 chiếc A321, 11 chiếc A320 và 1 chiếc A319. Chi phí để Bamboo Airways duy trì hoạt động bộ máy chắc chắn không nhỏ.

Ngoài chi phí thuê máy bay (hoặc trả lãi vay), các hãng hàng không còn phải trả hơn 10 tỷ đồng cho tiền bãi đỗ tại sân bay. Được biết, tiền đậu đỗ tại sân bay mỗi ngày của một chiếc Airbus 321 khoảng 1,6 triệu đồng, với dòng Boeing 787 là 4,16 triệu đồng. Như vậy, riêng tiền sân đỗ máy bay, mỗi tháng, Vietnam Airlines phải chi trên 6 tỷ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng.

Trong bối cảnh khó khăn các hãng hàng không đòi hỏi sự thay đổi từ tư duy quản trị, tối ưu và tinh gọn bộ máy. Đây là cách làm đang được Vietjet, Bamboo Airways thực hiện để vượt qua khó khăn.

Vai trò của Chính phủ là chủ sở hữu với vai trò là cơ quan quản lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Chính vì thế câu chuyện Vietnam Airlines xin Chính phủ hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, đặt ra câu hỏi Vietjet Air, Bamboo Airways xin ai hỗ trợ?

Việc Vietnam Airlines xin hỗ trợ Chính phủ cũng cho thấy thực tế, chỉ nhanh chóng thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mới phát huy tính tự chủ, bớt việc dựa vào ngân sách, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Bài liên quan