Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ bay vào tháng 7/2020?

Thứ tư, 21/08/2019, 18:48 PM

Hãng hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 7/2020, với đội máy bay gồm 6 chiếc.

vinpearl-air-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-se-bay-vao-thang-72020
Hãng hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ bay thương mại vào tháng 7/2020

Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải về dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của Công ty CP hàng không Vinpearl Air thuộc Tập đoàn Vingroup.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, Công ty Vinpearl Air đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp. Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ dồng, đặt căn cứ tại sân bay Nội Bài.

Hãng này sẽ kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế, nội địa và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 7/2020 với đội máy bay gồm 6 chiếc. Đến năm 2025, đội bay của Vinpearl Air đạt 36 chiếc.

Dự kiến, Vinpearl Air sẽ khai thác các loại máy bay thân hẹp Airbus A320, A321 hoặc Boeing B737 và máy bay thân rộng Airbus 330, Airbus 350 hoặc Boeing 787; mạng đường bay bao gồm 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế.

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không đánh giá Dự án Vinpearl Air nằm trong quy hoạch phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng không mới và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, phù hợp với chính sách phát triển vận tải hàng không của Chính phủ.

Cũng theo Cục Hàng không, trong tương quan kế hoạch phát triển đội bay của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020, dự án của Vinpearl Air là phù hợp với Quyết định 236 của Thủ tướng về quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, một doanh nghiệp có nguyện vọng thành lập hãng hàng không thì sẽ phải trình hồ sơ đề án hãng hàng không lên chính quyền địa phương (Sở Kế hoạch và Đầu tư) nơi doanh nghiệp đó đặt trụ sở.

Sau khi được chấp thuận thì kế hoạch thành lập, đề án mới sẽ được trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để báo cáo Thủ tướng.

Sau khi được Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp sẽ trải qua các bước kiểm định năng lực của Bộ GTVT và Cục Hàng không để tiến hành cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung, hay còn gọi là giấy phép bay.

Theo quy định tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Doanh nghiệp muốn kinh doanh vận tải hàng không trước hết phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không.

Đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm.

Cụ thể, hãng hàng không phải đáp ứng điều kiện về vốn, vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không được quy định chi tiết dựa vào số lượng tàu bay khai thác.

vinpearl-air-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-se-bay-vao-thang-72020
Phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch - đầu tư thành phố Hà Nội) vừa cấp đăng ký thay đổi mẫu con dấu doanh nghiệp đối với Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và dịch vụ VinAsia thành Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air.

Theo đó nếu khai thác đến 10 tàu bay, doanh nghiệp phải đáp ứng số vốn 700 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 300 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;

Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay điều kiện về vốn 1.000 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 600 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;

Nếu hãng khai thác trên 30 tàu bay vốn yêu cầu 1.300 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 700 tỷ Đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Như vậy dựa vào tiêu chí trên Vinpearl Air đang hướng đến việc khai thác cùng lúc trên 30 tàu bay bao gồm khai thác nội địa và quốc tế.

Để được cấp phép bay, trước hết hãng phải có phương án bảo đảm có tàu bay khai thác. Phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong 05 năm kể từ ngày dự kiến bắt đầu kinh doanh.

Vinpearl Air có thể thuê, mua tàu bay, thuê tàu bay nhưng phải đảm bảo tuổi của tàu bay đã qua sử dụng khi nhập khẩu vào Việt Nam. Cụ thể, đối với tàu bay thực hiện vận chuyển hành khách không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng đối với tàu bay trực thăng là 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

vinpearl-air-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-se-bay-vao-thang-72020
Để được cấp phép bay, Vinpearl Air phải được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng đồng thời Vinpearl Air phải được cấp AOC. Ảnh: Getty.

Đối với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại: Không quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

Phải thỏa mãn các quy định đối với lĩnh vực đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ thành viên tổ lái, giáo viên huấn luyện.

Ngoài ra, để được cấp phép bay, Vinpearl Air phải được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Cùng với thủ tục trên, để cất cánh Vinpearl Air phải được cấp AOC - chứng chỉ được cơ quan quản lý phê chuẩn cho phép một hãng bay được quyền khai thác máy bay với mục đích thương mại hoặc chỉ khai thác trong phạm vi chứng chỉ nêu.

Hiện Vingroup chưa tiết lộ về nhân sự cấp cao của Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air. Cái tên duy nhất lộ diện trong dàn lãnh đạo hiện tại là bà Nguyễn Thanh Hương (sinh năm 1972), người đại diện doanh nghiệp, đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.

Bà Nguyễn Thanh Hương đồng thời đang là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Nhất Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Nam. Đây là doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart và chuỗi bán lẻ điện thoại Viễn Thông A, được Vingroup mua lại cuối năm 2018.

Trong điều kiện thiếu hụt phi công và nhân sự hàng không ở khu vực và tại Việt Nam, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tuyên bố thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School) để đào tạo phi công và thợ máy. Mỗi năm, trường này dự kiến đào tạo 400 học viên. 

Vingroup cũng dự kiến đào tạo các nhân sự khác trong ngành Hàng không như huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không, quản trị hàng không, kinh tế vận tại hàng không và kỹ sư máy bay.

 

Gia nhập hàng không, Vinpearl Air chọn phân khúc nào?

Hãng hàng không Vinpearl Air chỉ tiết lộ mức vốn điều lệ và ngành nghề kinh doanh. Về giấy phép kinh doanh, lượng máy bay hay phân khúc kinh doanh vẫn chưa được tiết lộ.

 

Muốn bay, hãng hàng không Vinpearl Air phải thỏa mãn điều kiện nào?

Tập đoàn Vingroup vừa thành lập hãng hàng không Vinpearl Air, tuy nhiên muốn chính thức cất cánh Vinpearl Air phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe.

 

Vingroup lập Hãng hàng không Vinpearl Air

Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết tập đoàn này vừa thành lập Công ty Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng, trụ sở chính đặt tại khu đô thị Vinhomes Riverside, quận Long Biên, Hà Nội.