Vpop 2018: Nổi tiếng và tai tiếng hay cách đặt tên ca khúc dị thường để ‘câu view’?

Thứ ba, 11/12/2018, 02:13 AM

Làng nhạc đại chúng Việt Nam đang định nghĩa lại việc tạo nên 1 ca khúc hit. Ngoài giai điệu đẹp, ca từ hay, một cái tên khó hiểu, thậm chí gây tranh cãi mới thực sự thu hút khán giả.

chi puu
Chi Pu trong MV "Mời anh vào team em". 

Phải thừa nhận, nhạc pop Việt Nam có muôn hình vạn trạng cách để đặt tên một ca khúc. Ngoài những cách thông thường, các ca sĩ, nhạc sĩ còn có thể dùng tiếng anh (được cho là sính ngoại), dùng 1 chữ, một câu rất dài… để gọi tên “đứa con tinh thần” của mình. Tuy nhiên, các cách này e rằng đã cũ và không còn “mốt” như công chúng vẫn nghĩ.

Viết tắt là mốt

Năm 2018 nổi lên nhiều ca khúc có cách đặt tên dị thường. Tóc Tiên gọi tên bài hit "Có ai thương em như anh" bằng cái tên #CATENA, khởi đầu cho cách tên ca khúc bằng lối gọi tắt. Sau Tóc Tiên, một loạt sản phẩm của các ca sĩ khác cũng thể hiện sự tương tự.

toc tien
Tóc Tiên mở đầu trào lưu đặt tên tắt cho bài hát với #Catena. 

Bài hát “Tận cùng nối nhớ” của Will và Han Sara cũng không nằm ngoài xu thế này. Thay vì lựa chọn được một tựa đề khá hoàn hảo, hai nhân vật chính trong màn song ca quyết định đặt tên cho ca khúc của mình đầy khó hiểu là TCNN. Hương Giang Idol sau 6 năm ca hát khá lận đận và không kiếm nổi một bài hit, nhờ ca khúc #ADODDA bỗng nổi như cồn. Nếu không giải thích, rằng ít gười sẽ không thể nhận ra tên của ca khúc là một câu rất dài "Anh đang ở đâu đấy anh?".

Một loạt các sản phẩm khác như #GVS (Giả vờ say) của Đông Nhi, #NLD (Như lời đồn) của Bảo Anh cũng không nằm ngoài côngthức này. Mới đây nhất, nam ca sĩ trẻ ERIK quyết tâm gọi tên ca khúc của mình bằng cách đánh đố khán giả là #DCM.

Tuy nhiên, bất chấp việc đặt tên bài hát vô nghĩa, khó hiểu, những ca khúc được đặt tên theo “định dạng” này đều là hit lớn, nhỏ trong năm 2018. Dù không biết tương lai đi về đâu nhưng các nghệ sĩ trẻ đang tạo nên một trào lưu đặt tên ca khúc dị thường mà Vpop xưa nay hiếm.

ADODDA
Hương Giang vụt sáng sự nghiệp ca hát với bài hit "#ADODDA".

Càng nhạy cảm càng "hit"

Bên cạnh việc đặt tựa đề ca khúc bằng cách gọi tắt, một trào lưu khác được các nghệ sĩ đặt cược để có được một bản “hit” chính là sự nhạy cảm, khó hiểu, thậm chí gây tranh cãi. Một trong những bài hát thịnh hành thời gian qua và cũng gây ồn ào không kém là “Như lời đồn” (Khắc Hưng sáng tác, Bảo Anh thể hiện). Nhiều nghệ sĩ và khán giả cho rằng bài hát sử dụng cách nói tiếng lóng của giới trẻ, tục tữu và gây hiểu nhầm. Có thể nói, dù khán giả suy diễn đi chăng nữa, không phủ nhận bài hát này đã thành “hit”.

Trước “Như lời đồn”, nhạc sĩ Khắc Hưng cũng từng bị khán giả chỉ trích khi đặt tên ca khúc là “Như cái lò” (Huyền Sambi thể hiện) hay “Nắng Cực” (Phạm Toàn Thắng, Cao Bá Hưng, Trúc Nhân, Trương Thảo Nhi). Gần đây, một rapper thuộc giới underground cũng khiến khán giả “hoảng” khi đặt tên ca khúc là “Thu dẩm”.

Nhu loi don
Bài hát "Như lời đồn" của Bảo Anh nổi tiếng và tai tiếng từ chính tên ca khúc. 

Bên cạnh đó, các ca khúc có tựa đề gây tranh cãi khác như “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” (Đen, Vũ và Thành Đồng) hay “Mời anh vào team em” (Chi Pu) cũng “nổi bần bật”. Nếu như Đen dùng từ thông tục, lời ăn tiếng nói để cho vào tựa đề ca khúc thì Chi Pu (mà thực ra là ca/ nhạc sĩ trẻ Đạt G) đã một từ tiếng Anh đồng âm để gọi tên bài hát của mình.

Những ví dụ trên minh chứng cho một điều, tên ca khúc càng nhạy cảm, càng “có vấn đề” lại càng dễ được quan tâm và nổi tiếng. Có thể nói, làng nhạc đại chúng Việt Nam định nghĩa lại việc tạo nên 1 ca khúc hit; ngoài giai điệu, ca từ, một cái tên gây khó hiểu, thậm chí hiểu nhầm mới thực sự thu hút khán giả. 

Không thiếu những tựa đề hay

Vượt qua trào lưu đặt tên ca khúc khó hiểu, nhạy cảm, gây tranh cãi, nhiều nghệ sĩ vẫn trung thành với phương pháp truyền thống, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng vẫn gây “hit” như thường.

Những bài hát thu hút nhất của Vpop 2018 có những tựa đề hay, giai điệu bắt tai và ca từ đẹp có thể kể đến như “Người lạ ơi” (Orange, Karrik), “Thanh Xuân” (DaLAB), “Cho” (Ngọt), Nến và Hoa (Rhymastic), “Sao cũng được” (Binz), “Bùa yêu” (Bích Phương), “Ngày chưa giông bão” (Bùi Lan Hương)… Rõ ràng, giai điệu đẹp, ca từ hay là đủ để chiếm trọn trái tim của người nghe nhạc mà không cần liều lĩnh thu hút khán giả bằng những cái tên vô nghĩa, gây hiểu nhầm.

DaLAB
Bài hát "Thanh Xuân" của DaLAB là một trong những ca khúc đẹp phần lời, hay phần nhạc của Vpop 2018.

Nếu như trước đây, việc đặt tên các ca khúc tiếng Việt bằng tiếng Anh; sử dụng ngoại ngữ trong lời bài hát được cho là sính ngoại, lai căng thì nay đã được khán giả đón nhận có phần cởi mở hơn. Liệu với các cách đặt tên bài hát rất mới kể như trên, khán giả cần thời gian để chấp nhận và xem nó là chuyện bình thường?!

Sẽ không còn nữa những “Giọt nắng bên thềm”, “Trầm khúc”, “Quỳnh”, “Tình ca”, “Một mình”… và cũng đã xa rồi, những bài hát có những cái tên đẹp, những ca từ đẹp. Vpop đang vận hành khó hiểu và khó đoán y như cách nhạc sĩ trẻ đặt tên ca khúc vậy.

Tóm lại, trong một nền nhạc đại chúng không gì quý giá bằng một bài hát nổi tiếng, có thể nói, các ca sĩ, nhạc sĩ đã “bất chấp” để đạt được mục đích của mình?!

 

Xem lại Gạo nếp gạo tẻ tập 94: Hân cầu xin Kiệt trong nghẹn ngào nước mắt

Mời khán giả yêu thích xem lại Gạo nếp gạo tẻ tập 94 tại đây với nhiều tình tiết rất hấp dẫn.