Vụ cấm vĩnh viễn 2 phương tiện: Luật sư khẳng định lệnh của VEC 'trái luật, vô giá trị'

Thứ ba, 12/02/2019, 10:30 AM

Theo đánh giá của nhiều luật sư, việc VEC tuyên bố cấm vĩnh viễn 2 phương tiện trên các tuyến đường di đơn vị này khai thác là trái luật và không có giá trị.

vu-cam-vinh-vien-2-phuong-tien-luat-su-khang-dinh-lenh-cua-vec-trai-luat-vo-gia-tri
Luật sư khẳng định "lệnh cấm" vĩnh viễn 2 phương tiện của VEC là trái luật. (Ảnh: Nhân viên đang thu phí phương tiện di chuyển qua cao tốc - VEC E).

Vụ việc Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thay mặt Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam – VEC, Chủ đầu tư Đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây vừa ra thông báo về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện mang BKS 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác... thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo thông tin tra cứu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả hai xe này đều là ô tô 7 chỗ, không hoạt động kinh doanh vận tải. Trong đó, ô tô mang BKS 51G - 772.56 được đăng ký ngày 16/1/2019, chủ xe là ông Lê Hoàng Ph. (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM); còn ô tô mang BKS 51A - 558.50 được đăng ký ngày 16/4/2014, chủ xe là ông Hoàng Trọng Th. (ngụ quận 12, TP.HCM).

Việc từ chối được ví như “lệnh cấm" vĩnh viễn đối với 2 ô tô nói trên ngay khi phát đi đã gây ra luồng phản ứng lớn trên các trang mạng xã hội. Trong đó, nhiều ý kiến thắc mắc rằng với "lệnh cấm" vĩnh viễn này thì những phương tiện này có được đi vào những tuyến đường do VEC làm chủ đầu tư không? Quy định pháp luật nào cho phép doanh nghiệp nói chung và VEC E cũng như VEC nói riêng từ chối phục vụ phương tiện?

Nhằm giải đáp thắc mắc trên, PV có cuộc trao đổi cùng luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật ( Đoàn Luật sư TP HCM). Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định: "Lệnh cấm" vĩnh viễn đối với 2 ô tô của VEC E là hoàn toàn không có cơ sở và trái luật.

Theo luật sư Bình, hiện nay trong các quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì không có bất cứ chế tài nào việc việc cấm xe lưu hành trên đường cao tốc với lý do trước đó xe đã từng vi phạm trên hệ thống đường này.

vu-cam-vinh-vien-2-phuong-tien-luat-su-khang-dinh-lenh-cua-vec-trai-luat-vo-gia-tri
Lưu lượng phương tiện chạy qua cao tốc. (Ảnh: VEC).

Cụ thể: Theo Điều 53 Luật giao thông đường bộ thì khi có đủ các điều kiện xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau đây:

"Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực; Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực; Tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ..."

"Về nguyên tắc công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Hiện nay không có văn bản pháp luật nào cấm phương tiện lưu thông trên đường khi phương tiện và người điều khiển phương tiện đáp ứng các quy định của pháp luật. Đường cao tốc là đường công cộng không phải thuộc sở hữu của chủ đầu tư mà chủ đầu tư chỉ có quyền khai thác trên đó", luật sư Bình nhấn mạnh.

Dẫn lại các Điều 70,71,72,73 thuộc Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, luật sư Bình khẳng định: "Thẩm quyền xử phạt thuộc về các cơ quan nhà nước do Chủ tịch UBND các cấp; Công an nhân dân; Thanh tra chuyên ngành, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa mà không có bất cứ quy định nào cho phép VECE được phép từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện.

Do đó, với vai trò của đơn vị vận hành, khi phát hiện các vi phạm nêu trên họ phải báo cho lực lượng CSGT để kịp thời xử lý. Trường hợp có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công công hoặc hủy hoại tài sản thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo luật định".

"Hiện nay, việc cấm vận chuyển chỉ áp dụng đối với ngành vận tải hàng không. Sở dĩ họ cấm bay, cấm vận tải được là vì có Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không. Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10-01-2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không thể cấm phương tiện lưu thông", luật sư Bình nêu quan điểm.

Cùng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng khẳng định "lệnh cấm" của VEC E và VEC là hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Trao đổi trên tờ Dân Việt, luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, một cựu thẩm phán, chánh án tòa án) nhận định: Căn cứ luật xử lý vi phạm hành chính thì VEC cũng như VEC E không được pháp luật trao thẩm quyền xử phạt trong trường hợp hai chiếc xe vi phạm như công ty đã thông báo. Hệ thống pháp luật hiện hành cũng không có quy định nào trao thẩm quyền cho họ cấm xe ô tô lưu thông trong phạm vi đường giao thông do nhà nước giao cho họ quản lý.

“Trong trường hợp này, lái xe mới là chủ thể vi phạm, còn chiếc xe chỉ là vật vô tri vô giác nên nó không thể là chủ thể vi phạm. Nếu vi phạm nhẹ thì cơ quan CSGT lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt đối với lái xe. Trường hợp phương tiện gây ách tắt giao thông trong thời gian dài thì vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan CSĐT về hành vi gây rối trật tự công cộng”, luật sư Nhàn phân tích.

Vị luật sư này lưu ý thêm: “Cần nhấn mạnh lại rằng trong các trường hợp nói trên, lái xe mới là chủ thể vi phạm, chủ thể bị xử phạt. Không thể xử phạt bằng hành vi cấm chiếc xe lưu thông! Trong trường hợp hai xe này gây cản trở làm thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của VEC E thì VEC E có quyền kiện chủ xe hoặc người chiếm hữu hợp pháp, đòi bồi thường thiệt hại”.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi lãnh đạo VEC cho rằng, biện pháp từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên cao tốc là hành động cần thiết để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến cao tốc.

Trả lời câu hỏi rằng quy định pháp luật nào để đơn vị từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện? Lãnh đạo VEC nói: "Dựa trên quy định, trách nhiệm để tăng cường quản lý tốt hơn trật tự an toàn trên tuyến cao tốc. Đó là biện pháp cần thiết để tăng cường đảm bảo an toàn. Nhiều trường hợp ý thức không tốt gây ảnh hưởng đến xã hội. Có trường hợp gây mất an ninh trật tự mình phải có hành động kiên quyết".

"Tùy vào mức độ vi phạm mà có thời hạn từ chối phục vụ. Có trường hợp vi phạm nhỏ thì sau vài lần sẽ từ chối phục vụ để người ta nhận ra vấn đề và có cam kết nhưng trường hợp phá phách, vi phạm pháp luật thì phải có hành động kiên quyết", lãnh đạo VEC nhắc lại.

Hơn 19.000 phương tiện bị VEC từ chối phục vụ do quá tải

Theo thông tin được VEC phát đi: Sau hơn 2 năm đưa vào vận hành hệ thống kiểm soát tải trọng tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC đã từ chối phục vụ 19.040 phương tiện do quá tải.

Sau hơn 4 năm thông xe toàn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC đã đầu tư lắp đặt hoàn thiện hệ thống kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ ngày 9/1/2017.

Hệ thống này đã phát huy hiệu quả, bởi chỉ tính riêng từ ngày 9/01/2017 đến 9/1/2019, hệ thống đã phát hiện 18.700 phương tiện quá tải khi kiểm tra gần 1,2 triệu lượt phương tiện trong tổng số 28,186 triệu lượt phương tiện lưu thông trên tuyến. Qua đó, VEC từ chối phục vụ 17.780 phương tiện.

Còn nếu tính đến thời điểm này (ngày 5/2/2019 – mùng 1 Tết Kỷ Hợi), số phương tiện qua cân trên toàn tuyến đã lên tới 1,243 triệu lượt, với 19.040 phương tiện phải quay đầu, không được tiếp tục lưu thông trên đường cao tốc.

 

VEC bất ngờ công bố doanh thu sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí Dầu Giây

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã lên tiếng phải hồi dư luận sau khi mạng xã hội xuất hiện luồng thông tin đặt vấn đề về doanh thu thu phí của tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng.

 

Chủ đầu tư nói gì về việc VEC E từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên cao tốc?

Lãnh đạo VEC xác nhận thông tin: Công ty quản lý tuyến cao tốc TP HCM- Long Thành- Dầu Giây (VEC E) vừa có thông báo từ chối phục vụ vĩnh viên đối với 2 phương tiện được cho là gây cản trở, rối loạn trên đường cao tốc.

 

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hỏng sau vài cơn mưa: VEC tạm đình chỉ giám đốc Ban quản lý dự án

Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa bị tạm đình chỉ công tác.

 

VEC đề xuất thu phí trở lại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã gửi văn bản lên Bộ GTVT thông báo về việc hoàn thành sửa chữa và đề nghị được thu phí trở lại đối với đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.