Vụ nước Sông Đà nhiễm dầu: Có việc cạnh tranh không lành mạnh?

Thứ sáu, 01/11/2019, 13:34 PM

Nếu có động cơ bên trong hoặc đổ dầu thải có tổ chức, nhằm cạnh tranh không lành mạnh đối với dịch vụ cung cấp nước thì không thể để lợi ích của một vài nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng vạn người dân.

vu-nuoc-song-da-nhiem-dau-co-viec-canh-tranh-khong-lanh-manh
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại bên hàng lang Quốc hội. Ảnh: Minh Phong

Bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, đã trao đổi với phóng viên báo Giáo dục & Thời đại xung quanh vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nước Sông Đà.

* Đại biểu đánh giá như thế nào về sự cố nước sạch nhiễm dầu vừa xảy ra tại Hà Nội?

- Hậu quả của nó xảy ra rất nặng nề, tác động đến đời sống của hàng vạn người dân Thủ đô, làm đảo lộn cuộc sống, tạo nên bức xúc dư luận. Qua đây, cũng thấy được những lỗ hổng về mặt pháp lý trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân nói chung và quản lý nguồn nước cung cấp nói riêng.

Bây giờ hành vi vi phạm đang được cơ bảo vệ pháp luật điều tra, để xác định đúng người, đúng tội. Đồng thời xác định xem người ta đổ trộm dầu thải với mục đích gì? Cái này phải được cơ quan kết luận làm rõ. Trên cơ sở đó mới xử lý được nguồn gốc của vấn đề.

Hiện nay, pháp luật có đề cập tới cung cấp nước sinh hoạt, nhưng nó cũng chỉ là hành lang bảo vệ tài nguyên nước nói chung, chưa coi đó là vấn đề an ninh nguồn nước, gắn với sức khỏe của cộng đồng.

Tới đây, nếu không có luật riêng về an ninh nguồn nước hay các dịch vụ công nói chung thì cần tập trung vào sửa Luật tài nguyên nước. Theo đó, phải có quy định chặt chẽ về bảo vệ nguồn nước cũng như dịch vụ về nước cho người dân.

Các quy định này phải chặt chẽ hơn. Coi đó là an ninh, an toàn nguồn nước, chứ không đơn giản là cung cấp nước và bất kỳ ai cũng có thể bơm lên rồi xử lý để bán cho người dân.

* Được biết hồ Đồng Bài có diện tích gần 70 ha ở xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, không phải là hạng mục được phê duyệt trong dự án Nhà máy nước sông Đà, có trại lợn sản xuất với quy mô lớn trên triền đồi gần khu vực hồ, có nhiều suối và khe nước dẫn nước tạp nham vào lòng hồ… Vậy có đảm bảo an toàn khi mà Nhà máy nước sông Đà dùng nước ở hồ để sản xuất nước sạch bán cho hàng triệu người dân Hà Nội?

- Thực chất nó là hồ thủy lợi chứ không phải là hồ để cung cấp nguyên liệu thô cho Nhà máy nước sạch Sông Đà. Cơ chế quản lý hồ Đồng Bài này không chặt chẽ. Xung quanh đó có dân cư, có trang trại nông nghiệp, họ sử dụng các hóa chất cho nông nghiệp.

Thứ nữa là khu dân cư ở đó sẽ có nước thải sinh hoạt không qua xử lý. Có một số cơ sở sản xuất nằm trong lưu vực đó, có nhiều doanh nghiệp. Hiện vẫn có một số doanh nghiệp đầu tư vào đó, trong đó có một trang trại chăn nuôi…

Khi tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nhận được phản ánh. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, cũng chỉ xử lý để đạt chuẩn về nước thải ra môi trường ở cơ sở chăn nuôi mà thôi.

Còn nó có đảm bảo chuẩn cung cấp nước thô cho nhà máy hay không lại là vấn đề khác. Vì đây là hồ thủy lợi, mục đích trữ nước phục cho nông nghiệp là cơ bản. Khi sự việc xảy ra, mọi người mới giật mình rằng, lâu nay mình chưa quản lý chặt.

* Có ý kiến cho rằng, Nhà máy nước sông Đà do tư nhân quản lý, lợi ích mang lại từ hoạt động của nhà máy là một nhóm lợi ích hưởng lợi, trong khi hồ Đồng Bài là của tỉnh Hòa Bình, hồ không phải là hạng mục được phê duyệt đầu tư của dự án. Vậy tỉnh Hòa Bình có kế hoạch thu hồi hồ để phát triển kinh tế cho địa phương?

- Mình cũng không khẳng định như vậy. Hồ Đồng Bài là hồ thủy lợi, hiện Chi cục Thủy lợi tỉnh Hòa Bình vẫn quản lý để phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Nhà máy nước đang sử dụng hồ để trung chuyển. Báo chí nói là Nhà máy đang mượn trong giai đoạn chưa hoàn thiện được đường dẫn nước kín.

Bây giờ người ta mới đề cập tới phải hoàn thiện đường dẫn nước này, để bơm nước từ mặt nước Sông Đà và không qua trung chuyển bằng hồ Đồng Bài nữa và trả lại theo đúng chức năng, nhiệm vụ của hồ.

Tỉnh Hòa Bình cũng chính thức có ý kiến và Nhà máy nước Sông Đà cũng có phản hồi trong giai đoạn 2 sắp tới, chắc cũng cần có thời gian. Khi chúng tôi trao đổi thì Giám đốc công ty có nói lại là: Nếu bây giờ sử dụng nước mặt từ Sông Đà lên thì hầu như nhà máy nước phải thay đổi cả công nghệ.

Tỉnh có đề nghị, Nhà máy nước Sông Đà không sử dụng nước hồ, trả lại để hồ phục vụ mục đích chính là thủy lợi. Có câu chuyện, cho công ty sử dụng thì khi xả nước cũng phải có sự phối hợp. Nếu xả nước vì mục đích tưới tiêu cho nông nghiệp và chạm đến mực nước chết thì cũng không được; trong khi đó chúng ta không thể để nhà máy không có nguồn nước để phục vụ cho người dân.

* Đại biểu cho biết quá trình vận hành nhà máy đến nay, dự án nước sông Đà có đóng góp được gì về kinh tế, xã hội, việc làm cho địa phương?

- Công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp thuế, phí theo quy định của pháp luật cho ngân sách địa phương. Về giải quyết việc làm, thể hiện rất rõ ở các công nhân vận hành.

Tôi không băn khoăn về hoạt động của doanh nghiệp này mà băn khoăn về việc phối hợp quản lý tốt nguồn nước để cung cấp cho nhà máy đảm bảo an toàn.

* Được biết tháng 5 vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình đã họp và kết luận, nhất trí giao cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án thu hồi hồ Đồng Bài làm hồ chứa nước, sơ lắng cấp nước cho nhà máy nước để phát triển kinh tế địa phương, xin đại biểu cho biết chủ trương này đã thực hiện được đến đâu rồi?

- Tôi chưa được tiếp cận thông tin chính thức nhưng tuần trước đồng chí Bí thư tỉnh ủy đã có cuộc làm việc với các cơ quan của tỉnh và Giám đốc Nhà máy nước Sông Đà. Từ đó có đánh giá hiệu quả về kinh tế xã hội cũng như chỉ ra những tồn tại, yếu kém, đặc biệt để xảy ra sự cố cung cấp nước bẩn cho người dân.

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho nguồn nước lâu dài, đồng chí Bí thư tỉnh ủy có đề nghị UBND tỉnh làm việc với Công ty để thực hiện theo đúng thiết kế ban đầu là sử dụng nước Sông Đà chứ không sử dụng nước hồ Đồng Bài. Bí thư tỉnh ủy nói rằng, trả lại hồ Đồng Bài để thực hiện đúng chức năng là phục vụ thủy lợi, tưới tiêu cho nông nghiệp.

* Vậy đại biểu sẽ tiếp tục giám sát sự việc này đến cùng?

- Chắc chắn là như vậy, bởi vì người dân quan tâm là giải quyết các vụ án, xử lý các cá nhân. Phải giám sát cái đó cho thật tốt, nếu có động cơ bên trong hoặc đổ dầu thải có tổ chức, nhằm cạnh tranh không lành mạnh đối với dịch vụ cung cấp nước thì không thể để lợi ích của một vài nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng vạn người dân. Như thế là không chấp nhận được.

Ngoài ra, cần quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý chất lượng nguồn nước; kể cả nước sản xuất, sinh hoạt, thủy lợi cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn.

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/vu-nuoc-song-da-nhiem-dau-co-viec-canh-tranh-khong-lanh-manh-4044275-v.html