Vụ tháo dỡ công viên nước Thanh Hà: Cienco 5 có đơn kêu cứu gửi Thủ tướng

Thứ bảy, 01/02/2020, 06:35 AM

Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc cưỡng chế tháo dỡ tại công viên nước Thanh Hà.

UBND quận Hà Đông, Hà Nội đã chỉ đạo phường Phú Lương tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ Công viên nước Thanh Hà (khu đô thị Mường Thanh, phường Phú Lương). Ảnh Tuổi Trẻ

UBND quận Hà Đông, Hà Nội đã chỉ đạo phường Phú Lương tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ Công viên nước Thanh Hà (khu đô thị Mường Thanh, phường Phú Lương). Ảnh Tuổi Trẻ

Cụ thể, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý khẩn cấp việc UBND quận Hà Đông thực hiện không đúng quy định của pháp luật về cưỡng chế hành chính, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đối với Công ty trong vụ việc cưỡng chế công viên nước Thanh Hà (khu đô thị Mường Thanh, phường Phú Lương).

Trong văn bản gửi Thủ tướng, đại diện Cienco 5 cho biết do vi phạm nên công ty chấp hành việc quyết định tháo dỡ.

Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật và do nhà thầu lắp đặt tháo dỡ để đảm bảo không hư hỏng, không mất giá trị sử dụng của tài sản nên Công ty này đã gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện để xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình. Tuy nhiên, kiến nghị này không được chấp nhận.

“Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, UBND quận Hà Đông đã thực hiện đập phá toàn bộ các hạng mục xây dựng trong khuôn viên công viên nước Thanh Hà. Toàn bộ tài sản mà Công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng đều bị hủy hoại và không còn giá trị sử dụng…”, Cienco 5 cho biết.

Do đó, đại diện Cienco 5 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND quận Hà Đông cùng doanh nghiệp xác định thiệt hại vật chất do hành vi thực hiện cưỡng chế không đúng quy định của pháp luật mà UBND quận Hà Đông gây ra và thực hiện việc bồi thường cho doanh nghiệp đúng quy định của pháp luật.

Cienco 5 vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc cưỡng chế tháo dỡ tại công viên nước Thanh Hà sai quy trình gây thiệt hại cho doanh nghiệp,.

Cienco 5 vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc cưỡng chế tháo dỡ tại công viên nước Thanh Hà sai quy trình gây thiệt hại cho doanh nghiệp,.

Ở chiều ngược lại, theo quận Hà Đông, sau 2 tháng cơ quan chức năng quận gửi công văn yêu cầu chủ đầu tư Công viên nước Thanh Hà phải chủ động phá dỡ các công trình vi phạm nhưng không nhận được sự hợp tác. Vì vậy, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo phường Phú Lương triển khai kế hoạch tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm.

Ngày 15-16/1, phường Phú Lương tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm tại đây. Việc tổ chức cưỡng chế nhằm thực hiện nghiêm Quyết định số 5079 ngày 24/12/2019 của UBND quận Hà Đông về việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 về hành vi vi phạm trật tự xây dựng tại lô A2.2 CCĐT01, Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 trên địa bàn phường.

Quyết định cưỡng chế của UBND quận Hà Đông nêu rõ, công trình công viên nước Thanh Hà đã vi phạm khoản 5 và khoản 11 Điều 15 Nghị định 139 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. UBND quận Hà Đông yêu cầu doanh nghiệp phải tháo dỡ 19 công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng.

Trước đó, ngày 27/11/2019, quận Hà Đông cũng ban hành Quyết định số 4725 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5. Chủ đầu tư công viên nước Thanh Hà là Công ty cổ phần Cienco 5 đã nhiều lần có văn bản báo cáo UBND quận Hà Đông về việc tự tháo dỡ công trình trên lô đất A2.2 CCĐT01 và cam kết thực hiện theo quy định của UBND quận Hà Đông và phường Phú Lương.

Tuy nhiên, theo giải trình của Cienco 5, trong quá trình thực hiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi khối lượng tài sản khá lớn, các hạng mục tháo dỡ phức tạp, các công đoạn tháo dỡ cần đảm bảo an toàn, nguyên vẹn cho các thiết bị, tài sản. Bên cạnh đó, điểm tháo dỡ lại cận kề tết Nguyên đán 2020 nên nhân công và các thiết bị tháo dỡ không thể đáp ứng được. Doanh nghiệp đã gửi văn bản xin gia hạn việc thực hiện tháo dỡ đến hết quý I năm 2020. Thế nhưng không nhận được sự đồng thuận của quận Hà Đông.

Công viên nước Thanh Hà sau khi bị cưỡng chế. 

Công viên nước Thanh Hà sau khi bị cưỡng chế. 

Trước đó trả lời Tuổi Trẻ, ông Tống Văn Nga, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng việc cưỡng chế, phá dỡ công viên nước Thanh Hà là giải pháp xử lý sai phạm trật tự xây dựng đã diễn ra, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Đồng ý rằng hành vi xây dựng sai phép cần phải được xử lý nghiêm khắc để tránh tái diễn nhưng ông Tống Văn Nga cũng khẳng định cần xem lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông khi một công trình lớn như vậy có thể xây dựng không phép nhưng vẫn được chấp thuận cho vận hành khai thác, rồi sau đó vội vàng đập bỏ.

Cũng theo ông Nga, tình trạng xây dựng không phép do buông lỏng quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, như tại công viên nước Thanh Hà, thời gian qua diễn ra tại nhiều địa phương. hành vi này cần phải được ngăn chặn ngay từ đầu, trường hợp cần thiết buộc phải điều chỉnh lại toàn bộ quy hoạch xây dựng đô thị cho phù hợp, không thể để xây xong rồi đập bỏ, rất lãng phí.

Bài liên quan