Vụ tiền ảo 15.000 tỷ đồng: Người dân ngỡ ngàng vì công ty dùng trụ sở ‘ma’

Thứ ba, 10/04/2018, 08:15 AM

Sau khi công ty Modern Tech bị người dân tố lừa đảo 15 nghìn tỷ đồng bằng tiền ảo iFan, dư luận thêm bàng hoàng khi được biết trụ sở đăng ký kinh doanh của công ty này không một bóng người. Theo phản ánh, Modern Tech thực chất chỉ thuê địa chỉ kinh doanh ảo chứ không hề có bất cứ hoạt động nào tại toà nhà.

vu-to-lua-dao-bang-tien-ao-15-nghin-ty-dong-cong-ty-dung-tru-so-ma
Nơi đặt trụ sở của Modern Tech là một văn phòng ảo - (Ảnh: Huy Hùng).

Liên quan đến vụ việc người dân kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tố công ty lừa đảo 15.000 tỷ đồng bằng việc phát hành tiền ảo iFan, lôi kéo người dân tham gia bằng hình thức đa cấp với cam kết lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng đang gây rúng động dư luận.

Theo tra cứu cho thấy, Công ty Modern Tech đăng ký trụ sở tại lầu 9 toà nhà số 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM. Ngành nghề đăng ký kinh doanh là đại lý, môi giới, đấu giá; buôn bán máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; hoạt động tư vấn quản lý…, hoạt động thiết kế chuyên dụng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, tại lầu 9 toà nhà số 68 Nguyễn Huệ lại không có bất cứ hoạt động nào của Công ty Modern Tech. Thực tế, công ty này chỉ thuê lại địa chỉ kinh doanh ảo của Công ty cổ phần Replus.

Theo ghi nhận, sáng 9/4, tại địa chỉ này cho thấy không có một nhân viên nào đang làm việc tại đây. Trao đổi với bộ phận lễ tân của toà nhà thì được biết công ty này thực chất chỉ hoạt động ở đây một thời gian rất ngắn và thường xuyên không có người làm việc.

Báo Dân trí dẫn lời một nhân viên chia sẻ: "Người ta thuê địa chỉ bên em từ cuối năm 2017 để làm thủ tục đăng ký kinh doanh thôi. Em làm ở đây lâu rồi nhưng rất ít khi thấy có người đến văn phòng làm việc. Thỉnh thoảng em có thấy vài người giới thiệu là người của công ty đưa khách lên tham quan gì đó rồi đi. Em cũng không biết ai làm giám đốc công ty này". Do nhiều người dân tập trung phản đối tại đây nên hôm nay ban quản lý toà nhà đã bố trí sẵn nhiều bảo vệ để đảm bảo an ninh trật tự. Khi khách lên khu vực công ty các nhân viên lễ tân đều báo cho bảo vệ để giám sát.

Trao đổi với báo chí bà Bùi Thị Minh Thuý, Phó giám đốc Công ty CP Replus cho hay, Công ty Modern Tech ký hợp đồng thuê địa chỉ kinh doanh với công ty bà từ tháng 10/2017. Việc giao nhận hợp đồng được thực hiện qua đường chuyển phát nhanh, Công ty Modern Tech thanh toán tiền thuê bằng hình thức chuyển khoản.

Theo bà này, từ lúc ký hợp đồng đến nay không có nhân viên nào của Công ty Modern Tech đến làm việc cũng như không hề có bất cứ thư từ, giấy tờ nào của đối tác chuyển đến địa chỉ này. “Chúng tôi cũng không thấy có khách hàng nào của họ đến giao dịch”, bà Thuý nói.

vu-to-lua-dao-bang-tien-ao-15-nghin-ty-dong-cong-ty-dung-tru-so-ma
Người dân tụ tập trước cổng Công ty Modern Tech để phản đối công ty tiền ảo lừa đảo 15 nghìn tỉ đồng.

Cũng theo Công ty CP Replus, Công ty Modern Tech thuê địa chỉ kinh doanh tại toà nhà này trong 1 năm, số tiền thuê là 8 triệu đồng/tháng. Vì chỉ là đơn vị cho thuê địa chỉ kinh doanh nên bà Thuý cho hay không biết gì về hoạt động cũng như liên hệ với lãnh đạo Công ty Modern Tech.

Công ty Replus chỉ là bên đứng ra thuê mặt bằng từ Công ty địa ốc khác, đơn vị đang quản lý toà nhà số 68 Nguyễn Huệ, rồi cho các doanh nghiệp khác thuê lại để làm văn phòng.

Trả lời báo Infonet, ông Đinh Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho rằng vụ việc này thực chất là lừa đảo qua mạng, do đó thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an.

Theo Luật sư Nguyễn Minh Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội), theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này không thể nói Modern Tech bán hàng đa cấp. Lý do là Nghị định số 42 năm 2014, được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 40 năm 2018 quy định về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp, chỉ áp dụng đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp là hàng hóa, trong khi tiền ảo không được coi là một loại hàng hóa, nên không thuộc quản lý của Nghị định này.

Luật sư Nguyễn Minh Anh cho biết, pháp luật Việt Nam hiện không coi tiền ảo là một loại tài sản hay quyền tài sản. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng tiền ảo được phát hành tại Singapore, trong khi pháp luật của Singapore lại thừa nhận tính hợp pháp đối với tiền ảo.

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Minh Anh cho rằng cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ xem thực sự hoạt động phát hành này có đúng hay không, ví dụ có công nghệ nền tảng blockchain hay không, đây là nền tảng công nghệ mà không ai có thể can thiệp vào, kể cả cha đẻ của nó. Chẳng hạn, nếu phát hành 20 triệu tiền ảo, người chơi chỉ được phép “đào” trong số 20 triệu tiền ảo đó, nếu đã nhân ra tức là lừa đảo.

 

Vụ lừa đảo tiền ảo 15 nghìn tỷ đồng: Mạo danh người nổi tiếng để 'úp sọt' 32.000 người?

Để tăng thêm lòng tin, lôi kéo được các nhà đầu tư, iFan từng khẳng định đã hợp tác với hàng loạt tên tuổi nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, ca sĩ như: Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP... nghệ sĩ Hoài Linh. Tuy nhiên, một số nghệ sĩ đã lên tiếng khẳng định bị lợi dụng tên tuổi và hoàn toàn không liên quan đến dự án tiền ảo này.

 

TP HCM: Dân treo băng rôn tố công ty tiền ảo lừa đảo 15 nghìn tỉ đồng

Sáng 8/4, hàng chục người dân đã cầm băng rôn, đơn tố cáo đứng trước cửa Công ty Cổ phần Modern Tech trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP HCM) tố bị công ty này lừa đảo số tiền lên đến hơn 15 nghìn tỷ đồng, với số lượng nạn nhân trên 30.000 người.