Cuộc sống khó nhọc tại Hrung Hrang nơi mà những căn nhà đều không cánh cửa

Thứ ba, 11/12/2018, 10:24 AM

Thời tiết khắc nghiệt, mùa màng thất bát, đến cả cái nghề nhặt phân bò làm kế sinh nhai cũng bị “thất sủng”. Làng Hrung Hrang giờ đây chỉ toàn phụ nữ và trẻ nhỏ bởi cánh đàn ông đều kéo nhau đi làm thuê phương xa.

vung-dat-can-kho-quanh-nam-doi-ngheo-o-tay-nguyen
Ngôi nhà lụp sụp, dột nát của gia đình chị M'loh. (Ảnh: Nhật Huy).

Mùa màng thất bát, nghèo đói đeo bám

Vào một chiều cuối năm, chúng tôi ghé thăm làng Hrung Hrang (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nơi được mệnh danh nghèo nhất Tây Nguyên.

Dưới cái nắng chói chang, những người phụ nữ với chiếc gùi trên lưng đang gánh nước từ dưới lòng hồ về nhà sử dụng. Những đứa trẻ đầu trần, chân đất í ới gọi nhau chơi đuổi bắt, tạt hình dưới nền đất cát nóng hổi. Bên cạnh đó, một số nhóm người tập trung ngồi dưới gốc cây, hiên nhà để tránh cái nắng như cháy da cháy thịt.

Giữa 4 bề núi rừng, đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà được thưng xung quanh là những phên nứa cũ kĩ. Tuy nhiên, do hứng chịu mưa nắng nhiều nên một số chỗ đã mục nát, mưa nắng có thể xuyên thấu bất cứ lúc nào. Phía đằng trước nhà, quần áo và đồ dùng gia đình cũng được giăng chằng chịt.

Khi chúng tôi lại gần thì chỉ có 4 đứa trẻ đang đùa nghịch trước nhà, còn người lớn đã đi vắng. Thấy có người lạ, lũ trẻ nháo nhác chạy nhưng vẫn tò mò đưa đôi mắt ra nhìn cả đoàn.

Thấy bóng dáng mẹ mình từ phía xa đang về, lũ trẻ chạy ùa ra như đàn kiến vỡ tổ. Chị Đinh M’loh (40 tuổi) với dáng người nhỏ thó, đen nhẻm đang địu con trên lưng với đôi chân trần nở nụ cười hiền với cả đoàn.

Trò chuyện với chúng tôi, chị M’loh cho hay, hiện chị đã có 5 người con, trong đó chỉ có 1 người con đi học. Bên cạnh đó, chồng đi hái cà phê xa nhà để lấy tiền đong gạo nên 4 mẹ con ở nhà chỉ biết nương tựa nhau.

“Nhà hư hỏng nhiều chỗ, nhưng do chồng không có nhà nên chẳng có ai sửa cho cả do đó mấy mẹ con ở tạm thôi. Vào mùa nắng thì không sao, mưa xuống là mấy mẹ con phải dắt díu nhau qua nhà hàng xóm ở nhờ chứ mưa tạt mấy đứa nhỏ lạnh, tội lắm…”, chị Đinh M’loh nghẹn ngào nói.

vung-dat-can-kho-quanh-nam-doi-ngheo-o-tay-nguyen
Bếp của gia đình lạnh tanh, chỉ còn ít cơm nguội vì mùa màng thất bát. (Ảnh: Nhật Huy).

Cách đó không xa, một số người phụ nữ trên tay cầm chiếc túi nilong với một cây nhỏ để nhặt phân bò.

Chị Đinh H'rất (SN 1990) cho biết, gia đình chị có 2 sào đất trồng lúa, tuy nhiên năm nay thời tiết khắc nghiệt nên chỉ thu được 6 bao. Do đó, năm nay gia đình chị có nguy cơ không đủ gạo ăn.

Theo chị H’rất vào những năm trước người dân trong làng vẫn thường xuyên đi nhặt phân bò rồi phơi khô rồi bán. Một ngày đi nhặt phân bò như vậy một người cũng kiếm được vài chục nghìn đồng để lo cái ăn cho cả gia đình. Tuy nhiên, năm nay mùa màng thất bát, cà phê cũng bị người dân chặt hết nên phân bò cũng chẳng còn ai mua.

“Mình nhặt phân bò cho con mang lên trường bón cây thôi, chứ giờ nhặt bán có ai mua nữa đâu. Nhiều gia đình nhặt rồi chất đống phơi ở nhà, ngoài đường mà chả thấy ai ghé đến mua.”, chị Đinh H’rất buồn rầu nói.

Những ngôi nhà không cửa

vung-dat-can-kho-quanh-nam-doi-ngheo-o-tay-nguyen
Những ngôi nhà lụp xụp, không cửa vì chẳng có gì giá trị. (Ảnh: Nhật Huy).

Chia tay chị Đinh H’rất, chúng tôi tiến sâu hơn vào làng, tuy nhiên phía bên trong cũng chẳng khá giả gì hơn những nhà ngoài làng. Những ngôi nhà được xây tạm bợ hay được chắp vá bằng những tấm ván đã cũ, mục nát. Tuy nhiên, những ngôi nhà này đa phần có điểm chung là đều không có cửa.

Theo những người dân trong làng, do cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên hầu như mọi người trong làng đều đói nghèo. Bên cạnh đó, cái ăn người ăn còn lo chưa đủ nên khi nhà cửa hư hỏng mọi người chẳng còn tiền sửa nhà, không những thế, do trong nhà cũng chẳng có gì đáng giá nên nhiều gia đình có nhà nhưng không có cửa.

Chúng tôi ghé thăm nhà chị Đinh Trếck khi ngoài sân lũ nhỏ đang đùa nghịch, vật lộn với nhau dưới nền cát. Còn trong nhà có 6-7 người già và phụ nữ đang ngồi uống rượu ghè với nhau. “Mồi” nhậu của những người phụ nữ xa chồng này chỉ là lá mì nấu canh. Lâu lâu, những đứa trẻ chơi đùa mệt, đói lại vào xin bà hay mẹ chút lá mì và nước húp.

Chị Đinh Trếck ngồi vừa ôm con, vừa nói chuyện "phím" và uống rượu với các chị em. Khi chúng tôi hỏi tuổi thì chị Đinh Trếck chỉ cười rồi lắc đầu nói: “Mình không nhớ tuổi của mình đâu”.

Tại đây, chị Trếck cho hay, do chồng đi hái cà phê vài tháng mới về, mấy chị em mắc trông con nên cũng chẳng thể đi làm. Do đó lâu lâu chị em lại tập trung uống với nhau ít rượu cho cơi bớt nổi buồn.

vung-dat-can-kho-quanh-nam-doi-ngheo-o-tay-nguyen
Những người phụ nữ rủ nhau uống rượu để vơi bớt nỗi buồn. (Ảnh: Nhật Huy).

Ông Đinh Hem (SN 1978 – trưởng thôn Hrung Hrang) cho biết, hiện nay thôn có khoảng 70 hộ dân và gần 300 khẩu. Trong đó, có khoảng 200 hộ dân thuộc diện hộ nghèo của địa phương.

Theo ông Hem năm nay thời tiết khắc nghiệt nên mùa màng thất bát, nhặt phân bò cũng chẳng ai mua do đó người dân đều đi xa để hái cà phê thuê cho người ta.

Bên cạnh đó, nghèo đói cũng khiến việc học của các em nhỏ bị ảnh hưởng. Theo đó, trong nhiều năm qua cả làng chỉ có 2 em theo học đến đại học. Tuy nhiên, vừa qua mới có một em phải bỏ học giữa chừng do gia đình khó khăn, thiếu thốn.

 

Thanh Hóa: Cô giáo chết lặng phát hiện bé 3 tuổi tử vong sau giờ ngủ trưa

Cô giáo chủ nhiệm ở trường mầm non thị trấn Thọ Xuân (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) phát hiện học sinh tử vong sau giờ ngủ trưa.

 

Thừa Thiên Huế: Nước ngập mênh mông, người dân chèo thuyền qua đường

Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang bị chia cắt, ngập sâu do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp nhiễu động trong đới gió đông trên cao gây mưa lớn.

 

Xuất hiện trang website giả mạo bán vé bóng đá online trận chung kết Việt Nam - Malaysia

Trong cơn sốt mua vé bóng đá online trận chung kết lượt về Việt Nam - Malaysia, một trang website có địa chỉ http://vebongonline.com.vn được cảnh báo đã giả mạo để bán vé.