WHO cảnh báo Covid-19 chuyển biến từ nhẹ tới nặng ‘rất, rất nhanh’

Thứ hai, 09/03/2020, 13:51 PM

Chủng virus corona mới gây dịch Covid-19 sẽ chỉ gây ho nhẹ khi đến mũi và họng. Nguy hiểm bắt đầu khi chúng tiến vào phổi.

Ông Bruce Aylward, trợ lý tổng giám đốc WHO, người đồng lãnh đạo nhóm công tác phòng chống dịch Covid-19 của WHO ở Trung Quốc.

Ông Bruce Aylward, trợ lý tổng giám đốc WHO, người đồng lãnh đạo nhóm công tác phòng chống dịch Covid-19 của WHO ở Trung Quốc.

Tờ Fortune ngày 9/3 dẫn lời ông Bruce Aylward, trợ lý tổng giám đốc WHO, người đồng lãnh đạo nhóm công tác ở Trung Quốc, cảnh báo các triệu chứng Covid-19 chuyển biến từ nhẹ hoặc bình thường tới nặng “rất, rất nhanh”. 

Ông đã đưa ra kết luận trên sau khi xem xét dữ liệu từ 56.000 trường hợp.

Phần lớn những người nhiễm Covid-19 chỉ bị ho và mệt mỏi cùng vài triệu chứng nhẹ khác. Tuy nhiên, với những ca nặng, bệnh chuyển biến rất nhanh.

Khoảng 10-15% bệnh nhân biến chuyển từ nhẹ hoặc trung bình đến nặng và trong số đó, 15-20% tiến triển tới nguy kịch. Những bệnh nhân này thường bị suy hô hấp và các hệ thống quan trọng khác của cơ thể, và đôi khi bị sốc nhiễm trùng.

Việc hiểu được tiến trình của căn bệnh và xác định các cá nhân có nguy cơ cao nhất là rất quan trọng để tối ưu hóa việc ngăn chặn dịch bệnh đang truyền nhiễm toàn cầu đã giết chết hơn 3.700 kể từ khi xuất hiện vào tháng 12/2019.

Bệnh nhân có nguy cơ cao nhất bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên và những người mắc bệnh từ trước như cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch.

“Hình ảnh lâm sàng cho thấy mô hình bệnh không giống với những gì chúng ta có thể thấy ở bệnh cúm”, ông  Jeffery K. Taubenberger, người đã nghiên cứu về sự lây nhiễm của cúm Tây Ban Nha, cho hay.

Covid-19 rất có thể lây lan qua tiếp xúc với các giọt chứa đầy virus do người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc thở bắn ra.

Việc truyền nhiễm thường bắt đầu trong mũi. Khi vào bên trong cơ thể, virus xâm chiếm các tế bào biểu mô tuyến bảo vệ đường hô hấp, Taubenberger, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu virus của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ở Bethesda, Maryland, Mỹ cho biết.

Theo ông, nếu nằm ở đường hô hấp trên, virus thường dẫn đến các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Nhưng nếu virus xuống khí quản đến các nhánh ngoại vi của hệ phổi và mô phổi, nó có thể gây ra một giai đoạn nghiêm trọng hơn của bệnh. Đó là tổn thương viêm phổi do virus trực tiếp gây ra cộng với tổn thương thứ phát do phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nhiễm trùng.

“Cơ thể của bạn ngay lập tức cố gắng sửa chữa thiệt hại trong phổi ngay khi nó xảy ra. Các tế bào bạch cầu khác nhau tiêu diệt mầm bệnh và giúp chữa lành các mô bị tổn thương như những người phản ứng đầu tiên. Thông thường, nếu điều này diễn ra tốt đẹp, bạn có thể hết nhiễm trùng chỉ sau vài ngày”, ông Taubenberger nói.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhiễm chủng virus corona mới nặng hơn, nỗ lực tự chữa lành của cơ thể có thể quá mạnh mẽ, dẫn đến sự phá hủy không chỉ các tế bào bị nhiễm virus, mà cả những mô khỏe mạnh. Tổn thương biểu mô lót khí quản và phế quản có thể dẫn đến việc mất các tế bào sản xuất chất nhầy bảo vệ cũng như những sợi lông nhỏ, hoặc lông mao, có nhiệm vụ quét bụi bẩn và dịch tiết hô hấp ra khỏi phổi.

“Bạn không có khả năng ngăn chặn những thứ khác khỏi đường hô hấp dưới”, ông Taubenberger nói. Hậu quả là phổi dễ bị nhiễm vi khuẩn thứ cấp. Thủ phạm tiềm tàng bao gồm vi trùng thường trú ngụ trong mũi và cổ họng, và vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển mạnh trong  bệnh viện.

Nhiễm vi khuẩn thứ cấp gây ra một mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể tiêu diệt các tế bào gốc đường hô hấp quan trọng giúp trẻ hóa mô. Nếu không có chúng, bạn không thể sửa chữa phổi của mình. Phổi bị tổn thương có thể khiến các cơ quan quan trọng thiếu oxy, làm suy yếu thận, gan, não và tim.

David Morens, cố vấn khoa học cấp cao cho giám đốc của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cho biết: “Khi bạn bị nhiễm trùng nặng, quá mức, mọi thứ bắt đầu sụp đổ. Bạn vượt qua ‘điểm tới hạn’, nơi mọi thứ đang rơi xuống và đến một lúc nào đó, bạn không thể bình phục”.

“Điểm tới hạn” đó có lẽ cũng xảy ra sớm hơn ở người già, cũng như trong các thí nghiệm với chuột già,  Stanley Perlman , giáo sư vi sinh học và miễn dịch học tại Đại học Iowa ở thành phố Iowa, người đã nghiên cứu virus corona trong 38 năm, cho hay.

Tuy nhiên, nhiều người trẻ tuổi khỏe mạnh cũng đã không thể vượt qua Covid-19. Li Wenliang , bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi, một trong những người đầu tiên cảnh báo về virus corona ở Vũ Hán, đã chết vào tháng trước dù đã được điều trị bằng kháng thể, thuốc chống virus, kháng sinh, oxy và được bơm máu qua phổi nhân tạo.

 
Bài liên quan