WHO làm 'mích lòng thiên hạ'?

Thứ hai, 10/02/2020, 19:00 PM

Không chỉ Giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bị đề nghị cách chức, tổ chức này còn gây ra hàng loạt tranh cãi vì "lỡ" khen Trung Quốc chống dịch viêm phổi cấp do virus Corona (2019-nCoV) là tốt.

"Chúng ta bị lừa dối"

Khi loại virus bí ẩn lúc bấy giờ chưa được xác định là 2019-nCoV lây lan khắp Vũ Hán vào tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhanh chóng gửi thông điệp: Trung Quốc đã kiểm soát được tình hình.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: WHO

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: WHO

Thế nhưng thực tế là gì? Chỉ sau 1 tháng, 2019-nCoV đã lan ra hầu khắp Trung Quốc và ảnh hưởng tới 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngay cả lúc đó, Tổng giám đốc của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp tục tỏ ra hoan nghênh sự minh bạch trong phản ứng của Trung Quốc, bất chấp có bằng chứng cho thấy các quan chức Trung Quốc đã ngăn chặn tin tức và công bố không đầy đủ về các ca nhiễm.

Giờ đây - khi cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã diễn ra hơn một tháng và vẫn đang leo thang - có nhiều câu hỏi về việc liệu những lời ca ngợi của WHO trong những tuần đầu tiên có tạo ra cảm giác an toàn giả, thúc đẩy sự lây lan của virus hay không.

"Chúng ta đã bị lừa dối", Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, người hỗ trợ kỹ thuật cho WHO, nói.

"Bản thân tôi và các chuyên gia y tế công cộng khác, dựa trên những gì Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc nói, đã trấn an công chúng rằng chuyện này không nghiêm trọng, rằng chúng ta có thể kiểm soát vấn đề này", ông nói tiếp. "Chúng tôi đã mang đến cảm giác được bảo vệ giả".

Các chuyên gia hiểu về hoạt động của WHO cho rằng, chính sách ngoại giao quá cẩn trọng của nhà lãnh đạo tổ chức đang gây khó cho thế giới trong phòng và chống lại sự lây lan của 2019-nCoV. Ngày 9/2 ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn nhất về số người chết do virus corona chủng mới - 91 ca tử vong - nâng tổng số người chết lên đến 910 người, gần như toàn bộ ở Trung Quốc. Con số này đã vượt xa tổng số 774 người tử vong trên toàn cầu vì Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) vào năm 2002-2003. Đặc biệt, việc WHO bám theo các con số và đánh giá của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, cũng như sự khen ngợi liên tục của họ đối với Bắc Kinh, đang gây hoài nghi về mức độ đáng tin của cơ quan này trên phạm vi toàn cầu trong lúc họ cần đến điều đó nhất.

"Tôi lo lắng về việc liệu họ có thực sự đảm nhận vai trò lãnh đạo một cách hiệu quả hay không nếu xét trên phương diện phản ứng quốc tế", Yanzhong Huang, thành viên cao cấp phụ trách vấn đề y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), cho biết.

"Người ta tin tưởng tổ chức này là người bảo vệ sức khỏe toàn cầu vì họ trung lập về chính trị và có chuyên môn".

Một tuyên bố từ WHO cho biết "việc đảm bảo các đường liên lạc mở" là rất quan trọng trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

"Cho đến nay, 99% các trường hợp nhiễm bệnh vẫn là ở Trung Quốc", tuyên bố nói thêm. "Chính phủ (Trung Quốc) đã cam kết làm việc với WHO, chia sẻ dữ liệu và nhiều công việc khác từ sớm. Chính phủ Trung Quốc đang đi đầu với phản ứng của họ ở tầm quốc gia và WHO đang làm hết sức để ủng hộ họ, vì lợi ích của người dân Trung Quốc và thế giới".

WHO nói ông Tedros "hoan nghênh và mong đợi việc giám sát kỹ lưỡng nỗ lực ứng phó. Trọng tâm của mọi người phải được đặt vào việc chấm dứt dịch bệnh".

350.000 chữ ký kêu gọi Giám đốc WHO từ chức

Người Trung Quốc sẽ còn bị ám ảnh dài bởi 2019-nCoV

Người Trung Quốc sẽ còn bị ám ảnh dài bởi 2019-nCoV

Đơn kiến nghị được khởi xướng trên trang change.org, bởi một người dùng có tên "Osuka Yip", từ ngày 31/1. Người kiến nghị cho rằng ông Tedros đã ứng phó với dịch bệnh "không đúng cách" dẫn tới sự lây lan nhanh chóng nCoV trên toàn cầu. 

"Chúng tôi nghĩ rằng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus không phù hợp với vai trò là Tổng giám đốc WHO. Chúng tôi kêu gọi ông ngay lập tức từ chức", đơn kiến nghị có viết.

"Vào ngày 23/1/2020, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu trong khi virus corona chưa có cách chữa trị hiệu quả. Số người mắc bệnh và tử vong tăng gấp 10 lần chỉ trong 5 ngày. Một phần do ông Tedros đã đánh giá thấp độ nguy hiểm của virus corona", đơn kiến nghị lập luận.

Ngày 9/2, gần hai tuần sau cuộc gặp của ông Tedros và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới đã đến Bắc Kinh để nghiên cứu sâu hơn về căn bệnh. Đây được coi là động thái vô cùng có ý nghĩa đối với quá trình điều chế vaccine và thuốc đặc trị. 

Tính đến ngày 10/2, bệnh viêm phổi do chủng mới của virus corona đã ảnh hưởng đến hơn 40.000 người, gây ra cái chết của 910 bệnh nhân tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bệnh khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, nơi sinh sống của 11 triệu người dân. 

Hiện chưa rõ nguồn gốc lây truyền của nCoV, tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, virus có thể cư trú trong cơ thể của dơi, truyền sang người qua một vật chủ trung gian chưa xác định bày bán tại chợ hải sản Huanan.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để khống chế sự lây lan nhanh chóng của virus như phong tỏa gần 20 thành phố, hạn chế đi lại và đặt trạm kiểm tra y tế tại cửa khẩu. 

Bài liên quan