Hà Nội: Cử tri đề nghị xem xét trách nhiệm trong vụ cháy Rạng Đông, nước sinh hoạt nhiễm dầu

Chủ nhật, 29/12/2019, 08:24 AM

Cử tri đề nghị Thành phố chỉ đạo, xem xét rõ và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ cháy Rạng Đông, nước sinh hoạt nhiễm dầu.

Xác định mức bồi thường của Công ty Rạng Đông đối với người dân bị ảnh hưởng

Trong chuyên mục cử tri hỏi, UBND TP trả lời, khi cử tri đề nghị Thành phố chỉ đạo, xem xét rõ và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ cháy Rạng Đông, nước sinh hoạt nhiễm dầu, UBND TP đã cung cấp nhiều thông tin.
 
Xem xét trách nhiệm trong vụ cháy Rạng Đông
 
Theo UBND TP, trách nhiệm bồi thường về môi trường của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ngày 10/9/2019, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 3898/UBND-ĐT về việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại số 87-89 Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân; trong đó UBND Thành phố đã yêu cầu Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông có trách nhiệm ký hợp đồng thu gom toàn bộ các chất thải do vụ cháy gây ra, vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải nguy hại đề tiến hành xử lý theo đúng quy định; Phối hợp cùng với Bộ Tư lệnh Hóa học tiến hành tẩy độc ngay toàn bộ khu vực hiện trường vụ cháy và vùng lân cận, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Kinh phí do Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông chịu trách nhiệm thanh toán.
 
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã ký các hợp đồng: Thu gom xử lý chất thải sau vụ cháy với Công ty cổ phần môi trường đô thị công nghiệp 10 – Urenco 10; tiêu tẩy độc khu vực cháy với Viện hóa học môi trường quân sự; quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường với đơn vị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường. Đến nay, hiện trường vụ cháy đã được dọn dẹp, tiêu tẩy độc đảm bảo an toàn môi trường.
 
Quá trình triển khai khắc phục sự cố môi trường Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã được UBND Thành phố chỉ đạo kịp thời; các sở, ngành cùng quận Thanh Xuân và các phường: Hạ Đình, Thanh Xuân Trung đã tích cực triển khai các công tác nhằm khắc phục sự cố môi trường do vụ cháy gây ra.
 
Sở Công thương phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác rà soát, xem xét, thẩm định phương án ứng phó về sự cố hóa chất, chất phóng xạ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất và chất phóng xạ; Chủ trì trong công tác kiểm tra việc sử dụng hóa chất, chất phóng xạ và công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, chất phóng xạ.
 
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng và các đơn vị xây dựng báo cáo toàn diện về quá trình xử lý, khắc phục xử lý vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông; rà soát toàn bộ quy trình, quá trình xử lý các sự cố về môi trường xảy ra trong thời gian qua, tiến hành tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm nghiêm túc trong công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý các tình huống, sự cố phát sinh đột xuất, qua đó phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, công tác phối hợp giữa các sở, ngành và đề ra các giải pháp, biện pháp giải quyết hiệu quả trong thời gian tới.
 
Về việc xử lý, khắc phục sự cố sau nhà máy nước sông Đà bị nhiễm bẩn
 
Để bảo vệ an ninh nguồn nước cho thành phố Hà Nội sau sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà,
UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành một số nội dung:
 
1. Giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và chủ đầu tư các nhà máy nước sạch (kể cả các nhà đầu tư dự án đang triển khai đầu tư) rà soát hệ thống truyền dẫn nước sạch của từng nhà máy, đề xuất các biện pháp hoàn thành kết nối thành mạch vòng Hệ thống cấp nước sạch toàn Thành phố (trừ các xã vùng xâu, vùng xa sử dụng các trạm cấp nước riêng), báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/11/2019.
 
2. Giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch (dạng như Trung tâm điều độ điện của ngành điện lực), trong đó sử dụng công nghệ thông minh để quản lý, vận hành; Yêu cầu tất cả các nhà máy nước sạch, các nhà phân phối nước sạch phải kết nối hệ thống quản lý vận hành, các trạm quan trắc chất lượng nước tới Trung tâm này, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 12 năm 2019.
 
3. Giao Công an Thành phố chủ trì cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan xây dựng phương án đảm bảo an ninh cho Hệ thống cấp nước Thành phố, báo cáo UBND Thành phố xem xét trong tháng 11 năm 2019 để báo cáo Thường trực Thành ủy xin chỉ đạo.
 
4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng, Công an Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các Nhà máy nước lập khoanh vùng bảo vệ nguồn nước đầu vào và xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước theo khoanh vùng; tổ chức thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Nội dung này yêu cầu thực hiện xong trong năm 2019; Sau năm 2019, nếu đơn vị nào chưa thực hiện xong, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, đề xuất UBND Thành phố xử lý theo quy định.
 
5. Giao Sở Tư pháp chủ trì cùng Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố văn bản pháp lý quy định ràng buộc trách nhiệm của các nhà sản xuất cung cấp, phân phối nước sạch với Thành phố và yêu cầu các đơn vị này thực hiện, báo cáo trước ngày 20/11/2019.
 

Công bố 10 sự kiện nổi bật của TP.HCM năm 2019

UBND TP.HCM đã công bố 10 sự kiện nổi bật trong năm 2019 tại TP.HCM trong buổi họp báo chiều 28/12.

 

Từ 1/1/2020, Đường sắt Việt Nam chạy tàu khách liên vận quốc tế từ Hà Nội đi Bắc Kinh

Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ ngày 1/1/2020, ngành Đường sắt tiếp tục tổ chức chạy tàu khách liên vận quốc tế từ Hà Nội đi Nam Ninh, Bắc Kinh (Trung Quốc) và từ đó quá cảnh đi nước thứ ba.