Xôn xao văn bản giá nước Sông Đuống cõng lãi vay nghìn tỷ, đâu là sự thật?
Trong khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng Giám đốc Sở Tài chính "phát biểu sai lầm" khiến dư luận hiểu sai về giá nước sạch Sông Đuống, thì một văn bản Phụ lục đính kèm tờ trình số 9068 ngày 27/12/2018 lại thể hiện chi phí lãi vay được tính vào giá nước Sông Đuống.

Câu chuyện về giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống (chủ đầu tư là doanh nghiệp của Shark Liên) vẫn đang được dư luận hết sức quan tâm.
Chiều 5/12, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có những phát biểu về giá nước Sông Đuống được nhiều người dân quan tâm.
Trong phát biểu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định, phát biểu của Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội trong cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy hồi tháng 11 về vấn đề giá nước Sông Đuống là “một phát biểu rất sai lầm”, khiến dư luận hiểu lầm giá nước người dân phải chịu có tính cả lãi vay của nhà máy nước.
Chủ tịch Hà Nội cho biết, đã đề nghị Giám đốc Sở Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm. Song ông cũng mong mọi người thông cảm vì người phát biểu là tân Giám đốc Sở.
Ông Chung cho biết cơ cấu giá nước hiện nay có 4 nội dung: giá của một khối nước sản xuất; giá vận chuyển khối nước; giá của quản trị, quản lý và phần lãi suất 5%, cho phép liên quan đến thất thoát 25%.
Chủ tịch Hà Nội cũng khẳng định, giá nước từ năm 2013 đến nay không thay đổi. "Thành phố có thỏa thuận cho nhà máy nước mặt sông Đuống với giá nước 10.246 đồng là để phục vụ cho họ lập dự án. Tương tự, thành phố cũng thỏa thuận cho nhà máy nước mặt sông Hồng tại Đan Phượng giá 10.365 đồng để cho họ lập dự án”, ông Chung cho hay.
Thế nhưng, ngay sau phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, báo chí đã nêu ra một văn bản thể hiện việc chi phí lãi vay được tính vào giá nước Sông Đuống.
Tờ Dân Việt cho biết: Tại Phụ lục đính kèm tờ trình số 9068 ngày 27/12/2018 của liên ngành TP. Hà Nội (Tờ trình đề nghị phương án cấp bù tạm thời khi dự án Nhà máy nước sông Đuống đi vào hoạt động) đã giải trình rõ các khoản chi phí khi tính giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống.


Cụ thể, giá nước sạch Sông Đuống bao gồm chi phí sản xuất (chi phí vật tư trực tiếp, chi phí công nhân trực tiếp, chi phí sản xuất chung); chi phí quản lý (quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi vay bình quân, thuế tài nguyên, phí dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp); chi phí bán hàng; tổng chi chí sản xuất kinh doanh nước sạch; lợi nhuận định mức. Trong đó ghi rõ, chi phí lãi vay bình quân được tính vào giá nước là 2.003 đồng/m3.
Tờ trình đã đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán nước của nhà máy nước mặt Sông Đuống cho các đơn vị là 7.700 đồng/m3. Theo đó, với mức giá bán cho hai đơn vị này liên ngành TP Hà Nội lên phương án đề xuất cấp bù lỗ và cũng bù lỗ cho Công ty Nước mặt Sông Đuống.
Theo đó, liên ngành đề nghị UBND TP Hà Nội cấp bù trong năm 2019 cho Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội là hơn 37 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội hơn 118 tỷ đồng và bù cho Công ty Nước mặt sông Đuống khoảng 43 tỷ đồng. Tổng số tiền chi bù dự kiến lên tới gần 200 tỷ đồng.
Trước những kiến nghị của liên ngành, ngày 9/1/2019, Văn phòng UBND TP đã có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội: Chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của liên ngành.
Như vậy, UBND.TP.Hà Nội đã chấp thuận với giá nước tạm tính cho Công ty CP nước mặt sông Đuống với giá 10.246 đồng, trong đó phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước?
Trước đó, phát biểu tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, giá nước sạch Sông Đuống là 10.246 đồng chỉ là tạm tính cho nhà sản xuất.

Việc TP Hà Nội tạm tính giá nước sạch sông Đuống như trên, được ông Hà cho biết, là dựa trên nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%…
Ngoài ra, ông Hà cho biết, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng.
Báo Dân Trí dẫn lời Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội nói: “Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng/m3 nước”.
Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/xon-xao-van-ban-gia-nuoc-song-duong-cong-lai-vay-nghin-ty-dau-la-su-that-144135.html