Yêu cầu rà soát căn cứ pháp lý Dự án vận tải hàng không Cánh Diều

Thứ sáu, 31/01/2020, 07:20 AM

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ KHĐT, UBND tỉnh Quảng Nam rà soát các căn cứ pháp lý để thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều.

Hàng không Cánh Diều dự kiến khai thác máy bay ATR72 đang được Vasco khai thác. (Ảnh: IT).

Hàng không Cánh Diều dự kiến khai thác máy bay ATR72 đang được Vasco khai thác. (Ảnh: IT).

Dự án đầu tư hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) với số vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng được Công ty Cổ phần hàng không Thiên Minh đề xuất triển khai.

Hồi tháng 8/2019, Công ty Cổ phần hàng không Thiên Minh đã gửi đề xuất đến Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam. Nếu được đồng ý, hãng dự kiến sẽ khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý 1/2020 với 6 máy bay ATR72 hoặc tương đương. Sân bay căn cứ là Chu Lai (Quảng Nam). 

Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc thẩm định dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ, việc có thêm các hãng hàng không Việt Nam mới sẽ đa dạng hóa sản phẩm, giúp cho hành khách có thêm sự lựa chọn, tăng thêm yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng tự do hoá, có tính cạnh tranh cao và cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới.

Mặc dù vậy, Cục Hàng không cũng cho rằng, việc đến năm 2025, Công ty Thiên Minh dự kiến khai thác 30 tàu bay, bao gồm 15 tàu bay ATR-72 và 15 tàu bay A321 cần phải được xem xét lại về khía cạnh tính hiệu quả của đội tàu bay ATR-72 cũng như năng lực, nguồn lực để khai thác đội tàu bay với quy mô 30 chiếc. Do vậy, cơ quan này khuyến cáo Thiên Minh chỉ nên khai thác từ 20-25 chiếc vào năm 2025.

Đánh giá về sự phù hợp của dự án với năng lực kết cấu hạ tầng, Cục Hàng không VN thẳng thắn chỉ rõ “nội dung dự án chưa thống nhất”. Cụ thể, Cục Hàng không VN khẳng định, dự án chọn CHK Chu Lai làm sân bay căn cứ và sử dụng CHK quốc tế Đà Nẵng làm nơi đậu tàu bay qua đêm trong 2 năm đầu, các CHK quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn làm nơi đậu tàu bay trong giai đoạn tiếp theo là phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, trong nội dung về mạng đường bay dự kiến khai thác, dự án lại thể hiện đội tàu bay được đỗ qua đêm tại 3 cảng Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Điều này cho thấy nội dung dự án chưa thống nhất.

Ngoài ra, cơ quan quản lý chuyên ngành hàng không còn yêu cầu Thiên Minh phải báo cáo về phương án đảm bảo tính đồng bộ của sân bay căn cứ, bao gồm hạ tầng lưu trú của tổ bay, dịch vụ xăng dầu, suất ăn, dịch vụ mặt đất, phương án bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và phương án xây dựng, sử dụng hangar (nhà để máy bay) tại các cảng hàng không.

Một điểm đáng lưu ý trong khuyến cáo của Cục Hàng không VN liên quan đến tài chính của dự án. Cụ thể, dự án thành lập Hãng hàng không Cánh Diều là 1.000 tỷ đồng và dự kiến trong 3 năm đầu khai thác sẽ lỗ lũy kế hơn 350 tỷ đồng.

Như vậy, vốn tối thiểu của Công ty Thiên Minh không đáp ứng quy định về vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa với đội bay đến 30 chiếc là 1.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định 92.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến việc thẩm định dự án vận tải hàng không Cánh Diều.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam rà soát các căn cứ pháp lý để thẩm định chủ trương đầu tư dự án.

Trong đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020).

Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kết luận rõ về việc dự án đã đáp ứng đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bài liên quan