Yếu tố đang chi phối mạnh giá dầu mỏ?

Thứ sáu, 02/12/2022, 06:33 AM

Vào hôm 29/11, trước những suy đoán về khả năng Trung Quốc nới lỏng chính sách dịch tễ và OPEC+ cắt giảm sản lượng một lần nữa, giá dầu đã tiếp tục tăng.

9fd8db156dc34bb4df81144c6ee3aa2d

Tính đến 19 giờ 10 phút ngày 29/11 theo giờ Việt Nam, dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1 đã tăng lên 85,46 USD/thùng (+2,73%).

Tương tự, dầu thô ngọt nhẹ WTI giao trong cùng tháng cũng đã tăng lên 79,13 USD/thùng (+2,45%).

Ông Ricardo Evangelista thuộc công ty môi giới ActivTrades (Anh) nhận xét: “Nhờ có hy vọng về việc Trung Quốc xem xét lại chính sách chống COVID-19 toàn quốc, nhất là sau thông báo khẩn trương tiêm vaccine cho những người trên độ tuổi 80, giá dầu đã tìm lại được chỗ dựa trên thị trường”.

Thật vậy, vào hôm 29/11, hai ngày sau sự kiện cuộc biểu tình diện rộng nhằm chống lại các chính sách Zero Covid, Trung Quốc đã đưa quyết định đẩy nhanh việc tiêm vaccine chống COVID-19 cho người cao tuổi.

Vì vậy, đối với nhà phân tích trên, thông báo này “là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ xem xét về việc nới lỏng các chính sách chống COVID-19 hà khắc của Chính phủ, vốn được đưa ra với lý do Trung Quốc chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, nhất là ở đối tượng người già”.

Một triển vọng về việc Trung Quốc quay lại tình trạng bình thường, dù mong manh đến đâu, vẫn có đủ ảnh hưởng để đẩy giá dầu tăng vọt.

Đồng thời, thị trường đang xuất hiện nhiều lời đồn đoán về việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Đồng minh (OPEC+) tiếp tục cắt giảm hạn ngạch sản xuất sau cuộc họp ngày 4/12.

Theo báo cáo tài chính hôm 28 – 29/11 của công ty phân tích dữ liệu dầu mỏ Oilytics (Anh), OPEC có thể “sẽ cắt giảm từ 0,5 cho đến 2 triệu thùng/ngày trong cuộc họp tiếp theo”.

Quyết định mà OPEC+ đưa ra, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh trong tuần trước và từ tháng 6/2022, là tâm điểm lo lắng của các nhà đầu tư.