Ai chịu trách nhiệm khi Trường học bỏ mác 'Quốc tế'?

Thứ hai, 19/08/2019, 05:24 AM

Nhiều bạn đọc cho rằng: "Không thể có chuyện các Trường học thích xưng danh Quốc tế rồi khi bị vạch trần thì đồng loạt bỏ mác Quốc tế mà không bị xử lý?".

Hàng loạt trường học gắn mác Quốc tế tồn tại thời gian dài trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Hàng loạt trường học gắn mác Quốc tế tồn tại thời gian dài trên địa bàn quận Cầu Giấy. (Ảnh: Tổ Quốc).

Ai chịu trách nhiệm khi các Trường bỏ mác "Quốc tế" như chốn không người?

Vụ việc hàng loạt Trường học ở Hà Nội bỗng dưng bỏ mác "Quốc tế" sau vụ việc xảy ra tại Trường Gateway, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là những phụ huynh học sinh đang có con theo học tại các trường mang danh Quốc tế này.

Trả lời của ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy: TP hiện có 11 trường có thể gọi là Quốc tế" theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Còn lại các trường thêm chữ "Quốc tế" trong tên trường chỉ có yếu tố nước ngoài, không phải trường Quốc tế. Đồng thời khẳng định nếu trong quyết định thành lập không có chữ quốc tế mà trường tự đưa vào để mạo danh, thu hút học sinh, là sai phạm.

Ghi nhận cho thấy trên địa bàn quận Cầu Giấy - nơi xảy ra vụ việc bé trai lớp 1 tử vong tại Trường Quốc tế Gateway (tên đầy đủ là Trường phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway) cũng như các địa bàn khác có rất nhiều ngôi trường mang danh xưng Quốc tế mặc dù vị Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết trong buổi họp báo hôm 7/8: Trên địa bàn quận không có Trường Quốc tế nào.

Và mới nhất, rất nhiều trường tại địa bàn quận này cùng các trường trên địa bàn TP Hà Nội đã gỡ bỏ biển tên có chữ "Quốc tế" từng tồn tại từ rất lâu.

Trước vụ việc này, nhiều bạn đọc, nhất là các phụ huynh có con theo học tại các Trường mang danh Quốc tế đặt câu hỏi rằng, phải chăng họ và con em mình đã bị lừa? Và rằng ai sẽ chịu trách nhiệm khi các Trường học mang danh Quốc tế tồn tại từ rất lâu nhưng khi xảy ra sự việc thì vô tư gỡ mác mà không hỏi ý kiến các phụ huynh?

Anh Văn Định (Hoàng Mai, Hà Nội) một phụ huynh có con theo học tiểu học cho rằng: "Rất khó tin là không có quy định về Trường Quốc tế vì khi lên mạng tìm kiếm trường học cho con thì tôi thấy nhiều trường có danh xưng Quốc tế. Không lẽ họ vô tư gắn mác nhưng các cơ quan chức năng làm ngơ?".

"Nếu đúng như không có quy định nào mang tên “trường Quốc tế” thì khác nào bấy lâu nay nhiều trường vẫn đang lừa dối phụ huynh và cả xã hội. Đến cái tên gọi đã mang tính thương mại, chạy đua theo trào lưu thì làm sao có được chất lượng thực cho các con. Tôi cũng không hiểu vì sao, luật không có tên gọi “trường Quốc tế” thì sao bấy lâu nay các cơ quan vẫn luôn để mặc cho các trường hiên ngang sử dụng và quảng bá”, vị phụ huynh chia sẻ.

Trường Quốc tế Alaska dỡ bỏ biển tên, xóa mác
Trường Quốc tế Alaska dỡ bỏ biển tên, xóa mác "Quốc tế" trên website.

Một cô giáo tại trường THCS trên địa bàn Hà Nội cho biết: Mác Trường Quốc tế rất thu hút phụ huynh bởi ai cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con dù học phí có cao. Đó là còn chưa kể các Trường gắn mác “Quốc tế” luôn kèm một lời mời chào rằng "cấp bằng Quốc tế"…. 

“Tôi nghĩ rằng đã đến lúc có một cơ chế quản lý chung đối với các trường ngoài công lập, rà soát chương trình học và đặc biệt lưu tâm đến tên gọi “Trường Quốc tế” mà các đơn vị tự phong để hút học sinh”, cô giáo kiến nghị.

Trao đổi với PV về vấn đề các Trường học tự ý đặt tên kèm chữ Quốc tế vào, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Các cơ quan quản lý cần phải siết chặt luật hơn. "Không thể có chuyện, cứ xây nhà lên, sau đó cho học sinh vào học là thích gọi là trường Quốc tế hay trường thế giới... cũng được".

Có thể xử lý hình sự Trường gắn mác Quốc tế "dởm"

Cùng trao đổi về việc các Trường học tự gắn mác "Quốc tế" dởm luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng: Trường Quốc tế thường là trường học cung cấp nền tảng học vấn trong môi trường giáo dục Quốc tế, thường áp dụng dạy các chương trình như Tú tài Quốc tế, Edexcel, chương trình Cambridge quốc tế hoặc theo chương trình đặc thù của mỗi quốc gia khác với chương trình học của nước sở tại.

"Theo tôi biết có một số trường đáp ứng đủ điều kiện và có thể gọi là trường Quốc tế tại Việt Nam", ông Bình nói.

Theo Điều 48 của Luật giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân không có quy định nào về trường quốc tế, mà chỉ có ba loại hình là công lập, dân lập và tư thục.

Cụ thể, trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động.

Trường Mầm non Việt - Hàn cũng gỡ mác Quốc tế.
Trường Mầm non Việt - Hàn cũng gỡ mác Quốc tế.

Ttrường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí bằng vốn ngoài ngân sách.

Trong Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên.

Theo luật sư Bình, hiện các trường mang danh quốc tế hầu như hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên chữ quốc tế do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Trong đó có quy định, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng.

Tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng học sinh ở mỗi lớp không quá 30 học sinh; số lượng giáo viên ít nhất phải 1,5 giáo viên một lớp đối với trường tiểu học.

Bên cạnh đó, các trường phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất như: Tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt; diện tích mặt bằng bình quân ít nhất 6m2/học sinh; có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường.

Luật sư cho rằng, các trường gắn mác "quốc tế" có hành vi quảng cáo không đúng sự thật, ghi tên trường không đúng giấy đăng ký vi phạm Điều 8, Luật quảng cáo 2012 quy định những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.

Hiện nay, chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo trên được quy định tại điểm b, khoản 5, điều 51 Nghị định 158/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo đó, người nào có hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197, Tội "quảng cáo gian dối", Bộ luật hình sự hiện hành.

Nếu trước đó bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể chịu hình phạt bổ sung bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo luật sư Lại Huy Phát (Đoàn luật sư Hà Nội): Nếu các cơ quan chức năng làm rõ Trường tự gắn mác Quốc tế không đúng tên trường trong đăng ký doanh nghiệp với cơ quan chủ quản nhằm đánh vào tâm lý sính ngoại của phụ huynh học sinh để thu học phí cao hơn các trường tiểu học tư thục cùng địa bàn Hà Nội, thì đó là hành vi gian dối trong cung cấp tiêu chuẩn, chất lượng dạy học cho học sinh nhằm lấy số tiền cao hơn thực tế . Hành vi này có dấu hiệu vi phạm Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015...

 

Sau hạ biển, Trường tiểu học Quốc tế Alaska bỏ danh Quốc tế trên Website

Mặc dù khẳng định không có gì sai khi dỡ bỏ biển cũng như hoạt động, nhưng rất bất ngờ khi trên website Trường tiểu học Quốc tế Alaska đã bỏ danh Quốc tế chỉ còn tên là Trường tiểu học Alaska.

 

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 18/8: Hoa hậu Mai Phương Thúy ‘bắt đáy’ thành công, bỏ túi 2,53 tỷ đồng

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 18/8/2019 có những tin chính như sau: Huy động vốn từ Mai Phương Thúy, Bầu Đức mất quyền kiểm soát tại HAGL Agrico, lộ diện ngân hàng nào có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất…

 

Hòa giải bất thành, tiếp viên khởi kiện Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines

Cho rằng Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines chèn ép lao động, bố trí công việc không đúng nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian dài..., một nam tiếp viên quyết định khởi kiện.