Mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng sớm 19/7, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa tính đến 3 giờ ngày 19/7 có nơi trên 50mm như: Hồng An (Cao Bằng) 68.2mm, Nậm Mười 1 (Yên Bái) 60.8mm, Mai Lâm (Thanh Hóa) 69.4mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 151.8mm...
Ngày và đêm 19/7, Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50 mm, có nơi trên 100mm.
Từ ngày 19-20/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120 mm, có nơi trên 170 mm (mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).
Mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.
Từ ngày 20-21/7, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 30-60 mm, cục bộ có nơi trên 100mm.
Ngoài ra, ngày và đêm 19/7, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, khu vực Biển Đông (bao gồm vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Các địa phương lên phương án khắc phục hậu quả bão, lũ
Để chủ động ứng phó, các địa phương nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn... đang tiếp tục tập trung nhiều biện pháp chủ động phòng, chống bão số 1.
Ngày 18/7, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn, đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Quảng Ninh.
Kiểm tra tại một số hồ đập, dự án đang thi công, hoạt động bảo đảm an toàn phương tiện tàu, thuyền, hoạt động xuất nhập khẩu tại địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và Móng Cái, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, bão số 1 di chuyển chậm, diễn biến phức tạp, do vậy không được chủ quan, lơ là.
Bên cạnh công tác chuẩn bị phòng, chống tốt, địa phương rất cần cập nhật thường xuyên tình hình, diễn biến của bão; cần chuẩn bị kỹ phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, chủ động phương tiện, thiết bị, nguồn nhân lực ứng phó nhanh, kịp thời; bảo đảm phương án sơ tán, di dời người dân khi cần thiết.
Tỉnh cần quan tâm, có phương án bảo đảm an toàn cho du khách, người dân các khu vực du lịch, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất; quan tâm đến đời sống ngư dân... Đối với các mỏ khai thác trên địa bàn, tỉnh cần có phương án cụ thể để phòng, chống mưa bão, ngập lụt, sạt lở hiệu quả. Mục tiêu cao nhất là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho người dân.
Chủ động ứng phó với cơn bão số 1, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng có Công điện về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 1. Theo đó, tỉnh phân công lãnh đạo UBND cấp huyện trực tiếp xuống cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng tránh, ứng phó trên địa bàn quản lý, đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, lũ; chủ động, kiên quyết di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy ngập sâu, chia cắt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, hoàn thành trước 12h ngày 18/7/2023.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nam Định, để chủ động ứng phó với cơn bão số 1, các ngành, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho tài sản, tính mạng nhân dân, đặc biệt là kêu gọi các tàu, thuyền đang khai thác hải sản về nơi tránh trú bão. Đến nay, tỉnh Nam Định đã kêu gọi được 1.746/1746 tàu thuyền với 5.225 lao động khai thác thủy sản vào nơi tránh trú bão an toàn.
Tại các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng cũng đang tập trung rà soát các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao để có phương án di dân khi mưa lớn xảy ra. Ngoài ra, các địa phương đã lên danh sách hàng chục vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập úng trên các quốc lộ huyết mạch và yêu cầu ngành Giao thông Vận tải phối hợp đơn vị quản lý và các địa phương sẵn sàng nhân lực, phương tiện khắc phục khi có mưa lũ, sạt lở.