Bánh Trung thu là loại bánh có tự lâu đời. Từ những tấm bánh thủ công được làm trong khuôn gỗ, nay đã được hiện đại hóa với rất nhiều hãng sản xuất, cùng vô số loại bánh sản xuất trong nước và nhập khẩu. Từ tấm bánh giá rẻ vài chục nghìn đồng đến hộp “bánh ngoại” giá lên tới vài triệu đồng. Chẳng hạn, năm nay, khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi mang đến cho khách nhà giàu lựa chọn đặc biệt: Hộp bánh Trung thu VVIP sơn mài 6 bánh (mỗi bánh 100g) kèm 2 hộp trà sen Hoàng đế và trà Ô long, giá 8.600.000 đồng.
Không có gì lạ. Thời hội nhập kinh tế thế giới, thị trường luôn chiều lòng các thượng đế. Có điều, phát triển phải đi liền với quản lí, hướng dẫn.
Vâng, chuyện nhỏ như cái bánh trên mâm cỗ trông trăng mà không hề nhỏ chút nào. Bởi mấy năm nay bên cạnh việc thương mại hóa là những câu chuyện đáng lo ngại về chất lượng bánh trái được sản xuất, nhập khẩu tràn lan. Sự thiếu quản lý về chất lượng sản phẩm đã dẫn đến nhiều hệ lụy, rõ nhất là “bánh rởm” có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Dịp Trung thu năm Quý Mão - 2023, trên thị trường xuất hiện loại bánh “ba không”: không nguồn gốc xuất xứ; không nhãn mác, thời hạn sản xuất và sử dụng; không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để đối phó bánh “ba không”, các nhà quản lý đã phải căng tai căng mắt theo dõi, xử lý. Nhưng xem ra việc kiểm tra chỉ nhằm răn đe là chính, mức phạt nhẹ như bấc, phạt và cho... tồn tại, cái kiểu dân gian gọi là “cú đấm dưới thắt lưng”. Nên chi các loại bánh chất lượng kém vẫn dập dềnh trên sóng thị trường, từ khách sạn 5 sao, những quầy bánh sang trọng, trang trí lộng lẫy, cho đến những sạp hàng vỉa hè.
Câu chuyện thu giữ và tiêu hủy hàng kém chất lượng vẫn tiếp diễn, hình như ngày càng nhiều hơn. Xin dẫn ra vài vụ điển hình: Ngày 15-9, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, vừa phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, phát hiện, xử lý hộ kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại đây đã phát hiện hơn 1.000 bánh Trung thu trôi nổi, gồm: 850 bánh nướng loại 90 gram/chiếc; 40 bánh nướng loại 450 gram/chiếc và 120 bánh dẻo loại 200 gram/chiếc. Chủ hộ kinh doanh đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua bán.
Tại Hưng Yên, thông tin từ Công an tỉnh cho hay, đã phát hiện xe vận chuyển 300 hộp bánh Trung thu, mỗi hộp có 70 chiếc, tương đương với 21.000 chiếc. Nhãn, bao bì hàng hóa in chữ nước ngoài, nhưng chủ hàng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nơi làm ra nó.
Gần đây nhất, tối 20-9, tại Đà Nẵng, trong khi kiểm tra một cơ sở kinh doanh ở phường An Khê, Công an quận Thanh Khê đã phát hiện 1.500 bánh Trung thu các loại không có tem, nhãn mác, không thành phần, không địa chỉ và không có ngày sản xuất in trên bao bì.
Đáng chú ý là ở hai thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lượng bánh kẹo rất phong phú và có lẽ cũng nhiều hàng nhái, kém chất lượng hơn cả. Thị trường bánh Trung thu năm nay được kỳ vọng sức mua sẽ tăng hơn so với thời đại dịch Covid-19 hoành hành. Ngoài các đơn vị truyền thống còn có sự tham gia của các nhà hàng, khách sạn và các cơ sở tư nhân.
Phải nói rằng, người tiêu dùng vẫn đặt niềm tin vào các nhà hàng bánh nướng, bánh dẻo truyền thống. Năm nào cũng thế, cứ đến dịp Rằm Tháng tám là khách hàng lại rồng rắn xếp hàng mua bánh Trung thu truyền thống Bảo Phương (Thụy Khuê, Hà Nội), hay bánh Đông Phương (Cầu Đất, Hải Phòng), bánh Trung thu Như Lan, Đồng Khánh (TP Hồ Chí Minh)... Bánh ngon được con cháu mua về thắp hương cúng Tổ tiên, rồi sau đó cả nhà quây quần thưởng thức hương vị đậm đà, thơm ngon riêng có.
Đấy là nét đẹp, một nét văn hóa mang đậm chất Á đông. Tiếc rằng, bánh ngon chưa chiếm lĩnh phần lớn thị trường. Còn rất nhiều loại bánh không có “giấy khai sinh” được nhập qua các con đường tiểu ngạch, khó mà thống kê hết. Các loại bánh này có giá thành rẻ, kiểu dáng bắt mắt, đa dạng về chủng loại. Đương nhiên, “của rẻ là của ôi”, chúng tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cục Quản lý thị trường tại hai thành phố lớn đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh, trong đó tập trung kiểm tra nguyên liệu sản xuất, việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản.
Ăn bánh Trung thu dẫn đến ngộ độc thực phẩm không còn dừng lại ở lời cảnh báo mà đã xảy ra nhiều câu chuyện đáng tiếc. Theo lời khuyên của các bác sĩ từng điều trị những ca ngộ độc rất nặng, chỉ nên ăn các loại bánh rõ nguồn gốc, rõ thời hạn sử dụng. Cụ thể, nên ăn bánh trong 10 ngày đầu tiên, kể từ khi sản xuất. Trong quãng thời gian này, nguyên liệu còn tươi ngon, giữ được độ dẻo, giữ được mùi hương thơm cổ truyền. Chớ ham rẻ mà rước các loại bánh mini của nước ngoài, ghi rõ ràng thời gian sử dụng lên tới... bốn tháng, không hề có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Hãy là nhà tiêu dùng thông thái! Lời khuyên ấy thật hữu ích khi bạn ra phố tìm mua những tấm bánh Trung thu. Cái dẻo, cái thơm, cái ngon từ ký ức ùa về trong hiện tại. Vẫn biết “cái hiện tại” do kinh tế bung ra mà nảy sinh muôn điều phức tạp, nhưng không phải vì thế mà thả nổi, buông lỏng quản lý.
Mới hay, văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực là những điều thiết thực. Phải để mắt đến hằng ngày, nhân lên cái hay, cái tốt, dẹp bỏ cái xấu, cái có thể làm cho mai một thuần phong mĩ tục, cái nguy hại cho sức khỏe con người. Hãy tìm cách ngăn chặn hiệu quả, triệt để, không để thứ bánh Trung thu “ba không” tồn tại trong dịp Tết trông trăng truyền thống Việt Nam!