Suốt mấy ngày nay đến đâu cũng thấy bàn chuyện một cô giáo dạy THCS ở xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang bị học trò hành hung, những cái dép liên tục bị quăng, bị ném vào người cô giáo, cùng ồn ã tiếng la ó chửi bới. Các học trò lớp 6 và lớp 7 đã có những hành động bất nhẫn như ném cát, ném dép, đạp vào bụng, xô ngã, khóa cửa, nhốt cô giáo trong lớp học. Cô bị trò hành hạ đến mức ngã ngất trong lớp. Sự việc chỉ dừng lại khi có bảo vệ nhà trường đến can ngăn.
Đấy là chuyện nóng nhất ở Tuyên Quang. Còn một, hai năm trước từng xảy ra bạo lực học đường ở nhiều nơi. Nào là trò đánh nhau với trò đến mức phải đưa cấp cứu. Nào là trò, rồi phụ huynh đánh thầy, cô giáo. Điển hình là vụ thầy giáo ở Trường THPT Trần Quang Diệu, thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, bị trò dùng cây sắt quật vào đầu, ngực và lưng; vụ phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ gối ở tỉnh Long An; vụ cô giáo thực tập tại Trường Mầm non Việt Lào, ở TP Vinh - Nghệ An, cũng bị phụ huynh xông vào túm tóc, đá vào bụng… Thế rồi các vụ việc cũng được kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử phạt, và rồi... chìm vào lãng quên. Sự việc đáng buồn có thể dần bị quên, nhưng nỗi đau, nỗi băn khoăn, lo lắng thì còn nguyên. Thầy cô “sợ” học trò hư. Bạn học “sợ” nhau, có em không dám đến lớp vì sợ bị làm nhục, bị đánh, đến mức có em phải vào viện điều trị vì trầm cảm.
Đạo đức học đường xuống cấp nghiêm trọng ở nhiều nơi, bất kể ở đâu, từ các thành phố lớn đến đồng bằng, miền núi. Sợi dây kinh nghiệm “rút” hoài không xong. Các nhà quản lý giáo dục đau đầu, các bậc phụ huynh lo lắng, truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã phai nhạt đến mức xuống đáy rồi sao? Mới đây báo Lao động có một bình luận đau xót, rằng, “những cái dép kia không chỉ bị ném vào cô giáo mà nó đang nhằm vào chúng ta”. Nói “chúng ta” là nói đến cái chung. Đó là trách nhiệm xã hội của nhà trường, gia đình. Đó là việc đổi mới công tác giáo dục, quản lý. Đó là việc thay đổi chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, chương trình đào tạo giáo viên cho phù hợp tình hình mới...
Vấn đề đầu tiên cần quan tâm là, khi chúng ta coi việc dạy học là công việc cao quý “trồng người” thì cần có sự quan tâm đặc biệt, cần có cơ chế đặc thù. Tính đặc thù được vận dụng vào các mặt công tác, từ tuyển chọn đầu vào, làm sao lựa chọn được những người tâm huyết, yêu nghề bao nhiêu, yêu người bấy nhiêu. Bao giờ khi xem xét sự việc cũng phải chú ý cả hai phía thầy-trò. Nếu thầy thật sự yêu trò, thật sự mẫu mực, có kinh nghiệm, bình tĩnh, linh hoạt khi xử lý các tình huống bất thường thì sẽ ngăn chặn được tình trạng học trò phản ứng thái quá, xúc phạm thầy cô, làm loạn lớp học.
Một điểm nữa là giữ mối liên hệ bền chặt giữa nhà trường và gia đình, cùng các cơ quan chức năng, như chính quyền địa phương, ngành văn hóa, an ninh. Đặc biệt là, các bậc làm cha mẹ phải là người thầy đầu tiên, quan tâm dạy dỗ con em mình về đạo đức, lối sống, kính thầy, yêu bạn. Nếu trong gia đình bố mẹ thường xuyên cãi vã, thậm chí bạo hành, làm ăn bất chính, vi phạm pháp luật, khoán trắng con cái cho nhà trường thì vô hình trung đã gieo “mầm loạn” cho các em khi ra khỏi nhà. Kinh nghiệm ở nhiều nơi, khi nhà trường, và gia đình có sự phối hợp chặt chẽ thì tạo nên môi trường giáo dục trong lành, hầu như không xảy ra những hành động phản cảm, phi giáo dục.
Qua các vụ hành hung giáo viên, bạn cùng lớp ở học đường, chúng tôi thấy rằng, các nhà trường cần có những quy chế, quy định chặt chẽ, phù hợp, bảo vệ thầy cô giáo. Bởi có nhiều vụ việc thầy cô giáo bị phụ huynh, rồi trò hư hành hung ngay trong khuôn viên nhà trường, nhưng không ai can ngăn, chỉ thấy những chiếc điện thoại giơ lên để quay video clip. Đến khi xảy ra hậu quả đáng tiếc thì đủ các ban ngành, đoàn thể, hội phụ huynh vào cuộc, khi ấy “được vạ thì má đã sưng”. Vì thế, cần xử lý thật nghiêm minh những trường hợp vi phạm nội quy học đường, vi phạm pháp luật, không có thứ dân chủ vô hạn độ, dân chủ cả làng (!). Thời nay có một thứ nhá nhem, dễ bị nhân danh, dễ bị lợi dụng đó là dân chủ.
Thầy cô giáo nào cũng hiểu rằng, nhà trường là nơi dạy dỗ các em học sinh cả về kiến thức và nhân cách. Nhưng các em sẽ không thể phát triển toàn diện trong một môi trường “ô nhiễm” văn hóa. Một lần nữa, hồi chuông cảnh báo về giáo dục đạo đức, nhân cách lại vang lên, như cha ông ta từng căn dặn: bé không vin lớn gãy cành. Vẫn phải nhắc lại một điều, gia đình là cái nôi thiêng liêng nuôi dưỡng suốt đời người. Gia đình phải là nơi chăm lo dạy dỗ con cái đầu tiên. Ngay trong lớp học ở Văn Phú, Sơn Dương vừa rồi, trong khi hàng chục đứa trẻ bị kích động, ném dép, ném cát vào cô giáo thì vẫn có những em tìm mọi cách can ngăn, tìm cách báo cáo ban giám hiệu và cô chủ nhiệm. Hãy tin vào cái tốt. Hãy tin vào các em!