Sau 4 ngày xét xử, TAND TPHCM đã thẩm vấn xong 77 bị cáo tại tòa, công bố cáo trạng truy tố và lời khai của 5 người đang bị truy nã và 2 bị cáo xin xét xử vắng mặt.
Sáng 11/3, HĐXX sẽ xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí. Trong vụ án này, chỉ có bị cáo Trí không bị cáo buộc đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB.
Bà Trương Mỹ Lan: "Bản tự khai có phần đúng, phần chưa chính xác"
Liên quan đến hành vi sai phạm, bị cáo Lan nói: "Tôi tôn trọng nội dung kết luận của bản cáo trạng".
Chủ tọa ngắt lời, giải thích rằng HĐXX không hỏi bị cáo có tôn trọng hay không mà hỏi nội dung cáo trạng xác định hành vi bị cáo có thấy đúng không? Bà Lan nói có nội dung không đúng.
HĐXX nêu nội dung "Dù không giữ chức vụ trong SCB nhưng bị cáo nắm 85-91% cổ phần của ngân hàng", hỏi bị cáo có đúng không. Bị cáo Lan phủ nhận. Bà nói phần tự khai cũng không đúng.
"Bị cáo và gia đình nắm dưới 15%, 30% là cổ đông nước ngoài, khoảng 30% là nhờ bạn bè đứng tên giùm. Chưa bao giờ tôi xác nhận cổ phần tôi tại SCB là 91%. Bản tự khai có phần đúng, phần chưa chính xác", Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khai.
HĐXX: "Bị cáo giải thích gì về tất cả người nắm cổ phần pháp lý đều xác nhận cổ phần đứng tên Trương Mỹ Lan?"
Bà Lan trả lời: "Lúc hợp nhất, họ chỉ biết bị cáo đứng tên giúp SCB. Những người đứng tên giùm họ không biết mặt tôi. Họ khó khăn không có việc làm được Tạ Chiêu Trung nhờ đứng giúp"", bị cáo khai và lý giải cổ phần này là của bạn bè bà nhờ đứng giùm.
Bà Lan trình bày khi mới bị bắt, cơ quan điều tra hỏi bà có nhớ những cổ đông nước ngoài đứng tên giùm không, bị cáo không thể nhớ nổi. "Những người đứng tên giùm chỉ muốn giúp SCB", bị cáo nói.
HĐXX một lần nữa hỏi bị cáo Lan toàn bộ lời khai ở cơ quan điều tra bị cáo khai có đúng không, đề nghị bị cáo xác nhận. Chủ tọa đánh giá bị cáo rất kỹ trong lời khai. Lý giải điều này, chủ tọa cho biết đọc toàn bộ hồ sơ bút lục, nhận thấy bị cáo Lan đọc kỹ bản khai, ghi chú rất rõ phía dưới cái nào đúng nào sai.
"Tôi nghĩ đúng một phần", bị cáo Lan nói.
Lúc này chủ tọa bác bỏ, đề nghị bị cáo xác nhận đúng hay không.
"Cái nào tôi ký xác nhận với luật sư chắc chắn đúng", bị cáo Lan khai.
Trong quá trình xét xử, bị cáo Lan nhiều lần xúc động. "Xin HĐXX đừng dùng từ thâu tóm có được không, mỗi lần nghe tôi xót xa". Chủ tọa nhắc bị báo bĩnh tĩnh và cho biết chủ tọa chưa đánh giá thâu tóm hay không, đang nêu lại nội dung cáo trạng.
HĐXX: "Từ Chủ tịch HĐQT tới Tổng giám đốc, dàn lãnh đạo SCB đều xác định làm việc theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Họ xác định việc làm của họ kể cả ra nghị quyết, xét duyệt tín dụng cho ai... đều cho Trương Mỹ Lan chỉ đạo, phụ thuộc chỉ đạo Trương Mỹ Lan. Bị cáo giải thích thế nào?
Bà Trương Mỹ Lan phủ nhận: "Không có".
Trả lời về HĐQT, bị cáo Lan nói, hợp nhất 3 ngân hàng mặc định đã phân công, cổ đông khác gây lộn, bà nói cứ tin tưởng ban điều hành SCB. Lúc đó, tình hình nội bộ SCB hỗn loạn, áp lực trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước. "Các bị cáo làm sai quy định hay sai gì thì xin HĐXX thứ tội cho họ. Họ không cố ý, không ai tham tiền, sai là để bảo vệ SCB không sụp đổ", bà Lan nói.
HĐXX nhắc nhở: "Bị cáo chưa trả lời đúng câu hỏi. HĐXX muốn bị cáo trả lời tất cả bị cáo khác khai rõ quyền điều hành thực tế đều theo chỉ đạo của bị cáo. Bị cáo trả lời, đừng giải thích lý do họ làm".
Trương Mỹ Lan khai vị trí bà là đi giải quyết cho mượn tài sản, không nắm quyền điều hành tại SCB. "Nếu tôi ghê gớm như cáo trạng nói thì xin HĐXX xem xét, ngày hôm nay tất cả tài sản bạn bè gia tộc nằm hết SCB", bị cáo Lan nói và cho rằng tất cả lời khai các bị cáo khác khai có nhiều điều không đúng.
Bị cáo dẫn chứng Võ Tấn Hoàng Văn 1 năm chỉ gặp bị cáo 2-3 lần, không thể biết để khẳng định bị cáo nắm quyền chi phối SCB.
"Tôi không hề biết Đỗ Thị Nhàn, Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn nhờ tôi nói với bà Nhàn là thanh tra sớm đi, tiếp tục hỗ trợ cho mượn tài sản để nhà đầu tư nước ngoài còn vào", bị cáo Trương Mỹ Lan nói tiếp.
HĐXX nêu lại hành vi của VKSND Tối cao cáo buộc bị cáo trong cáo trạng, bằng nhiều phương pháp đã tuyển chọn nhân viên thân tín vào SCB, lập các chi nhánh để tiến hành cho vay, lập công ty ma… để mượn tiền giải để sử dụng. Về những hành vi này, bị cáo phủ nhận, nói không đúng.
Bên cạnh đó, bị cáo mong HĐXX xem xét cho nhóm bị cáo trong các công ty thẩm định giá. Theo bị cáo, bất động sản cao định giá theo giá thị trường, việc cơ quan công tố quy buộc công ty thẩm định giá nâng giá khống là chưa chính xác. "Mong HĐXX xem xét lại cho khách quan công bằng vì bất động sản có lúc giá rất cao nhưng không mãi giá như vậy", bị cáo Lan nói.
Bị cáo nói gì về khoản hối lộ cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD
Sáng 11/3, HĐXX nêu lại cáo buộc trong cáo trạng với bị cáo Trương Mỹ Lan. Theo đó, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn.
Trong đó, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ hơn 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 64.621 tỷ đồng.
Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền hơn 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền hơn 129.372 tỷ đồng.
Với những cáo buộc này, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, thời điểm đó bà đưa tài sản vào SCB để cứu ngân hàng. "SCB không đủ tiền trang trải thì có đâu mà cho tôi vay tiền. Vay tiền đưa đi đâu, tiền tôi sử dụng đi đâu. Tôi liên tục đưa tài sản vào vì nếu tôi dừng là mất hết", bà Lan khai.
Song, chủ tọa cho rằng cáo trạng xác định bị cáo đưa tài sản vào là một phương thức, thủ đoạn phạm tội.
"Chiếm đoạt 304.000 tỷ là hoàn toàn không có. SCB không có tiền, chẳng lẽ tôi đi chiếm đoạt tài sản và tiền bạc của tôi hay sao. Mong HĐXX xem xét vai trò vị trí, số tiền tôi chiếm đoạt", bị cáo Lan nói.
Để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, tiếp tục tái cơ cấu, bị cáo Trương Mỹ bị cáo buộc đưa cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD để bưng bít sai phạm làm nhẹ sai phạm tài chính của SCB để không đưa sai phạm SCB chuyển cơ quan điều tra.
"Tôi với chồng là người nước ngoài làm việc chữ tín hàng đầu, bưng bít hối lộ là không có. Tại sao tôi gặp bà Nhàn, tôi có biết bà Nhàn đâu. Võ Tấn Hoàng Văn làm phải chịu trách nhiệm. Các số tiền trong vụ án tôi không biết. Nếu tôi có thời gian làm việc ở đó sao tôi không đi trả lại tòa nhà Times Square cho chồng tôi, chồng tôi rất khổ", bị cáo nói trước tòa.
Trước khi kết thúc phần thẩm vấn, bị cáo Lan mong HĐXX xem xét hành vi của mình. "Bị cáo 4 đời làm phước, xin HĐXX xem xét đạo đức gia đình chúng tôi, xem xét bản chất SCB, xem xét tình trạng các bị cáo", bà Lan nói.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống
Theo cáo trạng, tuy không giữ chức vụ gì tại SCB nhưng bà Trương Mỹ Lan nắm giữ hơn 91,5% cổ phần của SCB, chi phối, chỉ đạo mọi hoạt động của ngân hàng. Trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã rút hơn 1,05 triệu tỷ đồng của SCB, gây thiệt hại đến thời điểm khởi tố vụ án tháng 10/2022 là 498.000 tỷ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Để rút tiền từ SCB, bà Lan đã chỉ đạo các cá nhân tại ngân hàng và Vạn Thịnh Phát để chỉ đạo tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, cấu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các công ty thẩm định giá, triển khai rút tiền từ SCB.
Ngoài việc tạo lập các công ty "ma" đứng tên hồ sơ vay vốn, bà Lan còn cấu kết chủ sở hữu, đại diện các công ty thực tế có hoạt động kinh doanh để các công ty này đứng tên vay vốn hoặc tạo lập thêm nhiều công ty "ma", lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB để Lan và các đối tượng trên cùng sử dụng.
Khi các khoản vay khống quá hạn, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5, bà Lan không trả nợ, mà chỉ đạo bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và bán nợ trả chậm cho chính các công ty "ma" do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập để che giấu một phần nợ xấu, không phải hạch toán lãi, giảm dư nợ tín dụng.
Để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB, bà Lan đã mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan thanh tra, giám sát làm trái công vụ.