Vẫn có nhiều trường hợp cố tình lợi dụng phát hành hóa đơn
Công điện nêu rõ, từ ngày 1/7/2022, thực hiện Luật quản lý thuế hiện hành, Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử phục vụ các đối tượng nộp thuế trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh thực hiện chuyển đổi đồng bộ sang sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy truyền thống. Việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử hóa đơn điện tử giúp tiết kiệm chi phí phát hành, lưu giữ hóa đơn; thuận tiện trong khâu đối chiếu, rà soát, kiểm tra việc kê khai thuế, hoàn thuế… góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có hiện tượng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn điện tử để xuất khống, mua bán hóa đơn để trục lợi, vi phạm pháp luật.
Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Để tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ của doanh nghiệp nói riêng, người nộp thuế nói chung về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế. Cảnh báo kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế; xây dựng kế hoạch tổng thể, có tính hệ thống để phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế, không để xảy ra các vi phạm về phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định.
Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát tổng thể, đánh giá và đề xuất việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử; khẩn trương hoàn thành thủ tục lấy ý kiến thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin hóa đơn điện tử. Có giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng đối với hệ thống hóa đơn điện tử; tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi bất thường trên hệ thống. Phân công, bố trí cán bộ thực hiện công tác phân tích, đánh giá và cảnh báo, kịp thời phát hiện các hành vi giả mạo, gian lận về hóa đơn điện tử.
Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan công an, các bộ, ngành đơn vị liên quan nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật trong phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
Có thể bị phạt tù nếu thực hiện hành vi mua, bán hóa đơn khống
Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 1999 quy định:
Điều 164a*. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Hoá đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
đ) Thu lợi bất chính lớn;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC quy định:
Điều 2. Về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164a BLHS)
1. Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm:
a) Hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hóa đơn giá trị gia tăng; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng; các hoá đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm,… và phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng;
b) Lệnh thu nộp ngân sách nhà nước, giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bảng kê nộp thuế, biên lai thu ngân sách nhà nước và chứng từ phục hồi trong quản lý thu ngân sách nhà nước.
2. Chủ thể phạm tội này bao gồm:
a) Cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc người của tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
b) Người của tổ chức nhận in hoặc đặt in hóa đơn;
c) Cá nhân hoặc người của tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ.
3. Các hành vi qui định tại Điều 164a của BLHS được hiểu như sau:
a) In trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo qui định của pháp luật; In hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả;
b) Phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi lập tờ thông báo phát hành không đầy đủ nội dung; không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng qui định;
c) Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi sau đây:
c.1) Mua, bán hoá đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo qui định;
c.2) Mua, bán hoá đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hoá, dịch vụ kèm theo;
c.3) Mua, bán hoá đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ;
c.4) Mua, bán, sử dụng hoá đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hoá, dịch vụ giữa các liên của hoá đơn.
Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước có số lượng lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn được hiểu như sau:
a) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi (chưa ghi giá trị) từ 50 số đến dưới 100 số được coi là lớn; từ 100 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.
b) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước đã ghi nội dung để nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn; từ 30 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.
Thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên.
Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên.