Phát biểu có liên quan đến một biên bản ghi nhớ giữa các nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt từ Bulgaria, Romania, Hungary, Azerbaijan và Slovakia được ký vào ngày 25/4.
“Thông qua các đường ống dẫn khí đốt đã tồn tại giữa các quốc gia – tức là từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Bulgaria, Romania và Hungary đến Slovakia – chúng ta đang nói về khả năng cung cấp tổng cộng 5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho tất cả các nước này,” Hirman cho biết.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng khí đốt từ Azerbaijan sẽ loại bỏ các vấn đề tiềm ẩn với nguồn cung cấp từ Nga. Ông nói thêm rằng việc giao hàng mới sẽ không ảnh hưởng đến giá khí đốt ở Slovakia, vốn gắn liền với giá giao ngay trên thị trường.
Biên bản ghi nhớ
Hirman đã ký biên bản ghi nhớ để hỗ trợ hợp tác giữa nhà điều hành đường ống Eustream của Slovakia, Bulgartransgaz của Bulgari, Transgaz của Romania, FGSZ của Hungary và công ty SOCAR của Azerbaijan tại Sofia, Bulgari.
Bằng việc ký kết bản ghi nhớ, các quốc gia tham gia gửi đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng tạo ra một hành lang mới cho việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên của châu Âu, để hợp tác với các đối tác ở Azerbaijan nhằm tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt của họ sang Liên minh châu Âu và để góp phần đa dạng hóa tổng thể nguồn cung cấp khí đốt trong khu vực, Bộ Kinh tế Slovakia cho biết trong một thông cáo báo chí.
Nguồn cung cấp khí thay thế
Bản ghi nhớ đề cập đến sáng kiến chung Vành đai Đoàn kết (STRING), được hỗ trợ bởi Ủy ban Châu Âu (EC), nhằm tăng cường an ninh nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Liên minh Châu Âu (EU) và đặc biệt là khu vực trung và đông nam Châu Âu. Vành đai Đoàn kết nhằm nâng cấp các hệ thống mạng lưới truyền dẫn của Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia để cho phép cung cấp thêm khí đốt từ các nguồn thay thế, chẳng hạn như Azerbaijan, cho các khách hàng châu Âu, Eustream nói trên trang web của mình.
Rastislav Ňukovič, tổng giám đốc của Eustream cho biết: “Khí đốt được truyền từ Azerbaijan qua đông nam châu Âu đến Slovakia có thể tiếp cận các thị trường trọng điểm khác của EU, vì Eustream có khả năng truyền tải mạnh mẽ tới tất cả các nước láng giềng, bao gồm cả Ukraine”.
Các chuyên gia đang coi khí đốt tự nhiên từ Azerbaijan là một trong những lựa chọn thay thế cho việc nhập khẩu khí đốt từ Nga.