Nhưng “nói mãi” mà sửa chưa xong. Chưa xong thì phải kiên trì và sửa bằng được để thủ tục hành chính bớt “hành” doanh nghiệp.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Văn bản số 493/TTg-KSTT, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Đây được xem là vấn đề nóng nhất trong các vấn đề nóng.
Trong mấy năm gần đây, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2021 đến nay, đó là tiến bộ đáng ghi nhận. Hàng nghìn quy định bủa vây như thế nên sinh ra vô số rào cản. Đáng lưu ý là, việc giải quyết thủ tục hành chính phải qua rất nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, ách tắc. Việc tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính ở một số nơi chưa nghiêm, còn có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, bày ra những “thủ tục” phiền hà tạm hiểu là “tham nhũng vặt”.
Khảo sát từ một cơ quan quản lý về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu của doanh nghiệp giai đoạn 2020-2022 cho thấy: khoảng 38% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nắm bắt thông tin thủ tục hành chính, nhất là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm.
Đối với việc thực hiện các thủ tục hải quan, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, còn có những quy định thiếu nhất quán, phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan, vì thế gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Doanh nghiệp cũng thường gặp vướng mắc trước và trong khi làm thủ tục khai hải quan.
Quản lý và kiểm tra chuyên ngành cũng là vấn đề còn nhiều “mù mờ” nhất. Trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành rất phức tạp. Mặc dù thủ tục kiểm tra chuyên ngành hầu hết được kiểm tra tập trung tại các cửa khẩu, thế nhưng vẫn có một số trường hợp doanh nghiệp phải tìm đến “kêu cửa” lãnh đạo các Bộ ngành mới... xong việc.
Việc cắt giảm danh mục điều kiện kinh doanh có chuyện “đánh bùn sang ao”. Nói là “cắt giảm”, song phổ biến là hình thức gộp tên ngành nghề, hoặc sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, để rút gọn về số lượng. Phiền hà nhất là các thủ tục về đất đai, có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo về quy định pháp luật, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay có tới 88 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2022. Rất nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô, ngành hàng, lao động. Và khó khăn lớn nhất với họ là việc thực hiện thủ tục hành chính, đáp ứng các quy định của pháp luật. Tình trạng “cha chung không ai khóc”, đùn đẩy, né tránh, công việc không chạy có nguyên nhân trực tiếp từ mớ bùng nhùng về thủ tục kinh doanh chồng chéo, rườm rà.
Trước thực trạng nêu trên, cần có các giải pháp tổng thể, sát tình hình để tháo gỡ khó khăn. Theo cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đã cố gắng rồi phải cố gắng nữa, đã cải cách môi trường đầu tư kinh doanh rồi phải tiếp tục cải cách kiên trì và kiên quyết hơn. Đó là giải pháp căn cơ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.
Thực hiện văn bản chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng, các bộ, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục đơn giản hóa, minh bạch về thủ tục hành chính, bảo đảm sự ổn định của chính sách; tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo trong quy định pháp luật, trong đó chú ý đưa các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp vào nền nếp thường xuyên, cụ thể và thực chất hơn.
Kinh nghiệm khi thực hiện các chủ trương, chính sách mới là phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao. Động lực mới bao giờ cũng bắt đầu từ những cú huých, những chìa khóa tháo gỡ những điểm nghẽn do chính con người đặt ra vì nhiều lý do khác nhau.
Chúng ta dễ thống nhất một điều, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những trọng tâm chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Vấn đề ở chỗ, làm sao để cải cách môi trường đầu tư kinh doanh không sa vào hình thức, nói một đằng làm một nẻo. Có thể dẫn chứng từ việc cơ quan chuyên môn “cài cắm” điều kiện kinh doanh trong các thông tư.
Điều doanh nghiệp chờ đợi nhiều nhất và cần nhất là hỗ trợ về thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh. Vấn đề này đã được nêu rõ trong Văn bản số 493. Theo đó, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ, kỳ vọng tiếp tục tạo động lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế đất nước. Nếu thực hiện đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng thì gánh nặng trên vai các doanh nghiệp sẽ được san sẻ, giúp nhà sản xuất tiếp cận những chính sách ưu đãi của Chính phủ, phục hồi và phát triển sản xuất.