Thách thức từ ô nhiễm nhựa
Việt Nam là một quốc gia được đánh giá là có trách nhiệm đối với các vấn đề bảo vệ môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều năm qua, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải đối mặt.
Vào tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Theo đó, Chỉ thị khẳng định, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất. Trong đó, 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thật sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái.
Tại Việt Nam, một thống kê từ Bộ TN&MT cho thấy, lượng rác thải nhựa của chúng ta tăng theo từng năm. Điều đáng báo động là mỗi năm Việt Nam xả ra biển khoảng gần 0,3 đến hơn 0,7 triệu tấn. Nếu xét ở khía cạnh nhỏ hơn, một gia đình Việt sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, 12kg/năm. Thực tế cho thấy, việc phân loại, thu hồi rác thải nhựa tại Việt Nam vẫn chưa thực hiện tốt. Các sản phẩm nhựa dùng 1 lần được thu gom, chôn lấp cùng với các loại rác thải sinh hoạt khác.
Trao đổi với Phóng viên, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam khẳng định, ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu, rác thải nhựa đang làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế cũng như khả năng sản xuất và phúc lợi xã hội.
"Nhựa được dùng để sản xuất nhiều mặt hàng, sản phẩm sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, rác thải nhựa mất rất nhiều thời gian để phân hủy (hàng trăm đến hàng ngàn năm). Rác thải nhựa gây ra cái chết cho nhiều sinh vật, các hóa chất phụ gia trong sản phẩm nhựa có thể tác động trực tiếp đến con người và động vật”, PGS.TS Lưu Đức Hải nói.
Hành lang pháp lý ra sao?
Từng trao đổi về vấn đề này, Ths. Dương Thị Phương Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ Tài nguyên Môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên Môi trường) cho biết, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý chất thải (QLCT) tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt là sau khi Luật BVMT 2020 được thông qua. Trong đó, các quy định về phân loại rác tại nguồn và thu phí theo khối lượng/thể tích chất thải phát sinh; trách nhiệm thu hồi và tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ; lộ trình cấm sản xuất tiêu dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế chôn lấp trực tiếp... đã góp phần thúc đẩy giảm chất thải nhựa
"Các quy định về QLCT nói chung, tái sử dụng và tái chế nói riêng đã có nhiều đột phá trong Luật BVMT 2020. Tuy nhiên, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về các loại chất thải nhựa. Chúng ta đã có các chính sách hỗ trợ cho tái chế chất thải, nhưng còn thiếu các hướng dẫn cụ thể để có thể tiếp cận đến các ưu đãi theo quy định của Luật BVMT 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành”, Ths.Phương Anh nói.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, hành lang pháp lý để hướng đến việc hạn chế ô nhiễm nhựa của Việt Nam đã có. Tuy nhiên, vấn đề thực thi chưa thực sự hiệu quả.
Luật sư Bình dẫn chứng, ngày 7/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điều 25 của Nghị định này có nhấn mạnh đến quy định mức xử lý đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển. “Tuy nhiên, quy định là như vậy nhưng trong thực tế, tình trạng ném rác thải nhựa như nilon, chai nhựa ra môi trường tràn lan. Vậy chúng ta đã xử lý được bao nhiêu vụ việc. Tôi cho rằng rất ít. Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta cần có thêm hành lang pháp lý, chế tài xử phạt cụ thể hơn, mạnh hơn để đánh vào ý thức của người dân trong việc ứng xử với đồ nhựa, rác thải nhựa”, Luật sư Bình nhấn mạnh.