Động lực tăng trưởng chính
Công nghiệp chế biến, chế tạo luôn giữ vai trò quan trọng và là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là ngành tạo được sức hấp dẫn, thu hút được lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Minh chứng cho điều này, tại Tọa đàm “Phát triển vị thế ngành công nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu” do Báo Công Thương tổ chức chiều 8/8 tại Hà Nội, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%.
Chỉ số chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 mặc dù chỉ tăng 1,6% so với tháng 6 nhưng tăng tới 11,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,2%). Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 9,7%, đóng góp 7,6 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung và được đánh giá là động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp.
Công nghiệp chế tạo cũng tạo được sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam thu hút 16,03 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm 63% tổng vốn FDI.
Chỉ 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Tại tọa đàm, các diễn giả đều có chung nhận định, dù ngành công nghiệp, đặc biệt là chế biến chế tạo phát triển mạnh mẽ, nhưng sự liên kết giữa DN Việt Nam và DN FDI còn lỏng lẻo. Việc liên kết giữa DN Việt Nam với các công ty đa quốc gia được cho là con đường ngắn nhất để DN nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trên thực tế, dù đã có nhiều cố gắng và triển khai không ít các hoạt động kết nối nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Đề cập thực trạng DN chế biến, ông Phạm Tuấn Anh cho biết: Hiện Việt Nam có khoảng 5.000 DN chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% DN tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai.
"Như vậy, có thể nói khoảng 30% DN công nghiệp hỗ trợ (300 DN) đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Mặc dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, DN triển khai các hoạt động tăng cường liên kết giữa các DN FDI và DN nội địa Việt Nam, tuy nhiên sự liên kết này còn lỏng lẻo", ông Phạm Tuấn Anh nói.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, ngoài xuất phát điểm thì phải kể tới đặc thù của ngành công nghiệp này là ngành yêu cầu tập trung vốn, công nghệ. Đây lại là hai điểm yếu của DN Việt Nam, do DN vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn lực. Vì thế, năng lực phát triển và đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu là hạn chế.
Thêm nữa, do nước ta đi sau nên các hạng mục tham gia thấp nhất. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có đặc trưng là vừa tập trung vốn, công nghệ theo chuỗi giá trị toàn cầu vừa tập trung lao động. Đây là lợi thế cũng là bất lợi bởi Việt Nam phát triển ở mức độ thấp nhất, đóng góp giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng, chủ yếu bằng sức lao động trong khi hàm lượng chất xám không nhiều.
Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn lý giải, hiện Việt Nam chưa có DN đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp. Trình độ DN và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Công tác R&D (nghiên cứu và phát triển), phát triển sản phẩm mới chưa được quan tâm và thiếu nguồn vốn đầu tư.
Trong khi đó, việc ban hành và bố trí các nguồn lực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn chưa hiệu quả do mâu thuẫn chồng chéo của các luật ngành khác.
Cần xây dựng chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Việt dẫn đầu
Cho rằng sự liên kết giữa DN Việt Nam và DN FDI là vấn đề then chốt của công nghiệp Việt Nam, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Muốn tham gia chuỗi phải tạo và xây dựng, phát triển chuỗi của người Việt do DN Việt dẫn đầu.
Trong trường hợp chưa có được điều đó thì phải chú ý làm sao các DN của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do các tập đoàn đa quốc gia dẫn dắt.
Tình huống tham gia vào chuỗi của các tập đoàn đa quốc gia dẫn dắt khá khó khăn vì họ có chuỗi cố định, nhiều DN đã đi cùng với họ. Khi họ đến một quốc gia khác, nếu DN nước sở tại không đáp ứng được yêu cầu, họ sẽ có lý do để đưa DN của họ vào.
"Như vậy, sân chơi dành cho các DN Việt Nam, lợi ích dành cho DN Việt Nam sẽ bị mất đi. Nếu không có chiến lược thì Việt Nam ngày càng ở thế bất lợi. Việc gia tăng sản lượng công nghiệp không hoàn toàn tương ứng với năng lực của sản xuất công Việt Nam theo đúng nghĩa gốc", chuyên gia đánh giá.
Ở góc độ DN, theo bà Trần Thị Thu Trang – Giám đốc Công ty CP sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel: Có 3 vấn đề cần được giải quyết triệt để nhằm tránh mất cơ hội. Thứ nhất, các DN, tập đoàn nước ngoài tham gia là các DN đầu chuỗi. Theo đó họ sẽ có sự ưu tiên cho các DN của nước họ và đây là điều tất nhiên chúng ta không thể "chen chân" vào.
Tuy nhiên họ vẫn thích các DN tại địa phương mà họ đến đầu tư vì có nhiều lợi thế, ít rủi ro, nhân công rẻ. Do đó vẫn có cơ hội nào đó cho DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Và câu hỏi đặt ra là "làm sao để các DN trong nước "chen chân" được với các DN nước ngoài?".
Thứ hai là cạnh tranh về giá vẫn là thách thức, đây là cạnh tranh sòng phẳng toàn cầu. Các nước cho vay ưu đãi Chính phủ 0,5-1%, còn Việt Nam lãi suất cho vay đến hơn 6%.
Thứ ba, cần giải quyết triệt để vấn đề nguyên vật liệu bởi việc nhập khẩu làm cho giá trị gia tăng cao
Ngoài ra, muốn nâng cao vị thế cạnh tranh, các DN Việt Nam phải học tập liên tục và luôn phải có chiến lược, tầm nhìn đi trước mới có thể đáp ứng mong đợi của khách hàng...